Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 329 trường, trong đó có 159 trường ở vùng DTTS đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 48,33%); có 11/11 huyện, thành phố vùng DTTS đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; có 06 trường phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT); 01 trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt; 01 trường trung cấp nghề Dân tộc Nội trú.
Ngành giáo dục trong tỉnh cũng đã tập trung triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, triển khai bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho 50% số nhóm lớp vùng đặc biệt khó khăn; 100% số nhóm lớp vùng khó khăn. Công tác dạy bán trú được quan tâm, triển khai khá hiệu quả từ ngân sách và nguồn huy động khác. Đến nay, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi DTTS được tăng cường tiếng Việt chuẩn bị đủ điều kiện trước khi vào lớp 1, đạt mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo quy định tại Nghị định số 20/2014/NĐ-CP.
Từ năm học 2010, tỉnh Kiên Giang đã triển khai Chương trình tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục cho học sinh vùng DTTS lồng ghép với tài liệu dạy học “Em nói tiếng Việt” tại 102 trường/17.321 em thuộc vùng có đông học sinh DTTS. Qua đó, giúp học sinh vùng dân tộc tiếp cận tốt chương trình giáo dục phổ thông, chất lượng học tiếng Việt của các em học sinh DTTS ngang bằng với học sinh tiểu học khác. Chất lượng dạy và học của các trường trung học ở vùng DTTS cũng có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS trên 99%, THPT trên 97%, tỉ lệ học sinh DTTS bỏ học dưới 3%. Tỉnh đã thực hiện cử tuyển đối với 258 học sinh. Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển ra trường đều được tiếp nhận, phân công theo quy định.
Toàn tỉnh hiện có 24 trường giảng dạy tiếng dân tộc. Tuy số lượng trường dạy tiếng dân tộc gần đây có giảm do Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, việc dạy và học tiếng DTTS là môn học tự chọn, đa số các em ít lựa chọn học tiếng DTTS thay cho tiếng Anh. Một số trường tiểu học dạy tiếng Hoa vẫn thực hiện theo Chương trình thực nghiệm, chưa có chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, việc dạy chữ Khmer còn được tổ chức trong dịp hè do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tổ chức tại các chùa Khmer, mỗi năm có hơn 5.000 người theo học; các Hội tương tế người Hoa cũng có dạy tiếng Hoa tại 02 trường cho hơn 100 học sinh đang theo học. Đồng thời, tỉnh còn triển khai dạy tiếng DTTS cho cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS. Các chính sách đối với người dạy và người học được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.
Tỉnh có 01 trường Trung cấp Nghề DTNT đào tạo nghề cho học sinh, người lao động chủ yếu là đồng bào DTTS với cơ cấu nghề phong phú, gồm 19 nghề trung cấp, 21 nghề sơ cấp. Hàng năm, trường tổ chức liên kết và phối hợp đào tạo các lớp văn hóa trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên cho trên 800 học sinh, các lớp cao đẳng, đại học cho trên 200 sinh viên và các lớp theo nhu cầu xã hội trên 3.000 học viên. Trường thường xuyên phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang, các doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng kết hợp với các sự kiện của trường. Hàng năm, có trên 87% học sinh tốt nghiệp trung cấp có việc làm, thu nhập ổn định bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đối với trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, qua khảo sát, trên 85% người lao động đều có việc làm.
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác giáo dục vùng DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống trường, lớp đã được quan tâm đầu tư đúng mức nhưng do đã được đầu tư khá lâu nên một số cơ sở xuống cấp, nhiều trường còn thiếu hệ thống các phòng chức năng, thiếu các tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia; đặc biệt là còn thiếu thiết bị công nghệ thông tin.
Chất lượng giáo dục đào tạo ở vùng DTTS còn thấp so với mặt bằng giáo dục chung của tỉnh. Đội ngũ giáo viên, nhân viên vẫn còn thiếu, nhất là giáo viên dạy môn tiếng Anh, Tin học, nhân viên phụ trách Y tế học đường; số cán bộ quản lý giáo dục biết sử dụng tiếng dân tộc rất ít.
Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện lồng ghép các Đề án, Dự án... liên quan đến vùng DTTS để tăng cường hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên người DTTS ở vùng DTTS đảm bảo đủ về số lượng, nâng cao chất lượng.
Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cũng cần đẩy mạnh tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh về chủ trương tăng quy mô chỉ tiêu tuyển sinh đối với trường phổ thông DTNT THCS từ 250 học sinh/năm học lên 400 học sinh/năm học. Phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh khảo sát thực tế địa bàn, đối tượng thụ hưởng chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS làm căn cứ cho UBND tỉnh đề xuất chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch tạo nguồn nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ cho các xã thuộc vùng DTTS.
Ban Dân tộc tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc. Chú trọng tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về đổi mới giáo dục đào tạo vùng DTTS.
Theo thống kê, toàn tỉnh Kiên Giang có 1.748.465 người, trong đó dân tộc Kinh có 1.487.331 người (chiếm 85,04% dân sô), Khmer có 230.500 người (chiếm 13,18% dân số), Hoa có 29.606 người (chiêm 1,69% dân số), dân tộc khác 1.028 người (chiếm 0,59% dân số). Việc đẩy mạnh thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo trong đồng bào DTTS có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát huy tối đa nguồn lực đồng bào các dân tộc tham gia đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.