Đi tìm nguồn gốc của những chiếc bẫy
Tại VQG Pù Mát có một đội bảo vệ rừng, với tên gọi Antipoaching. Tiền thân của Đội là do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam thành lập và chi trả lương từ năm 2018. Với 15 thành viên, họ hầu hết là kỹ sư, cử nhân lâm nghiệp, được tuyển dụng, đào tạo, tập huấn kỹ lưỡng. Không chỉ đòi hỏi kiến thức, kỹ năng đi rừng, sức khỏe tốt… để được chọn là thành viên của Đội, thì yêu rừng, yêu động vật hoang dã là một trong những tiêu chí cứng.
Mỗi chuyến xuyên rừng, những bàn chân lặng lẽ của Đội thường kéo dài hơn 1 tuần. Hành trang mang theo trong những chuyến ngược ngàn là gạo, cá khô, thịt lợn ướp muối, nồi, võng, tăng, thuốc men...
Chẳng phải nỗi nhớ nhà, nhớ người thân… mà nỗi sợ lớn nhất đối với họ là những cạm bẫy do thợ săn đặt chi chít trong rừng như thiên la địa võng; mà nếu không cẩn thận thì rất dễ gặp nạn. Ấy là còn chưa kể sự chống trả quyết liệt của những kẻ đi săn thú rừng, với những khẩu súng săn tự chế luôn lăm lăm trên tay. Và bao thứ rình rập từ rừng, như vắt, muỗi rừng, ruồi vàng, cành cây mục gãy đổ và lũ ào về bất ngờ…
Kể từ khi thành lập đến nay, Đội đã thực hiện hơn 2.000 chuyến tuần tra, với 7.466 ngày đi bộ trong rừng. Họ cũng tính quãng đường đi bộ của cả đội lên tới 68.665km. Trong những chuyến đi rừng đó, Đội phát hiện 861 người vi phạm, lập biên bản xử lý 370 người. Ngoài ra, họ còn tháo gỡ được gần 15.000 bẫy thú, phát hiện 311 động vật bị săn, bắn, vận chuyển; phá hủy hơn 1.000 lán trại của người đi săn…. Thông qua bẫy máy ảnh, VQG Pù Mát đánh giá, kể từ khi Đội được thành lập, số lượng thú rừng trong vườn tăng lên đáng kể.
Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích hơn 94.275ha, trải rộng trên 3 huyện Tương Dương, Con Cuông và Anh Sơn. Vườn có 82 loài của 33 họ thuộc các lớp thú, chim và lưỡng cư, bò sát. Trong đó, có 48 loài động vật nguy cấp, quý hiếm, 26 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, có 21 loài được ghi trong Danh lục đỏ IUCN…
Thông điệp ý nghĩa
Hơn 15.000 chiếc bẫy thú được lực lượng kiểm lâm cùng với Đội bảo vệ rừng thu giữ, nằm lăn lóc nhiều năm trời trong nhà kho của VQG Pù Mát từ những năm 2018. Mãi cho đến năm 2023, khi các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tham quan thực tế tại VQG Pù Mát, thì ý tưởng kết những chiếc bẫy thú thành hình các con voi mới được nhen nhóm.
Phó Giám đốc VQG Pù Mát Lê Anh Tuấn cho biết: Các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã xin được thiết kế tạo hình cặp voi mẹ, voi con, kết từ những chiếc bẫy thú rừng do lực lượng kiểm lâm của VQG Pù Mát tháo gỡ, tịch thu.
Để hoàn thành cặp voi mẹ, voi con này, các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cùng cán bộ, công nhân viên của VQG Pù Mát và các hộ dân bảo vệ rừng đã tích cực làm hơn 10 ngày mới xong. Số lượng bẫy thừa khoảng trên 3.000 bẫy thì được bỏ vào bụng voi mẹ, voi con. Các bẫy thú rừng được sử dụng “kết voi” chủ yếu là bẫy kẹp, bẫy dây sắt thòng lọng, bẫy lao…
Ông Lê Anh Tuấn chia sẻ thêm: Việc kết bẫy thú rừng thành cặp voi được trưng bày tại đây, mang tới thông điệp với du khách và người dân là không sử dụng bẫy săn thú rừng, bảo vệ các loại động vật hoang dã.
Trong khu vực VQG thường xuất hiện tình trạng các đối tượng từ khắp nơi dùng bẫy, súng để săn bắt động vật hoang dã quý hiếm trái phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm VQG Pù Mát đã tháo gỡ, phá hủy được trên 400 bẫy thú các loại, cùng súng săn và các vũ khí để săn bắt thú rừng như: lao đâm, thòng lọng…
Hôm nay, mỗi khi tham quan VQG Pù Mát, du khách còn được thưởng thức hình ảnh cặp voi mẹ, voi con đang thong dong “dạo bộ”. Đến gần mới thấy 2 chú voi này được kết từ những chiếc bẫy thú rừng rất tỉ mỉ, càng cho thấy một thông điệp mạnh mẽ về ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã…