Phát biểu Khai giảng Lớp bồi dưỡng, ông Phạm Duy Khánh - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Vấn đề dân tộc là một trong những nội dung quan trọng của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong thời đại nào, dân tộc luôn là vấn đề mang tính thời sự quan trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có trên 72.000 người DTTS, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, với 35 thành phần dân tộc; nhiều nhất là dân tộc Raglay, Ê Đê, Hoa, Tày, Nùng và người T’rin (nhóm địa phương thuộc dân tộc Cơ Ho). Các DTTS cư trú chủ yếu ở vùng miền núi thuộc huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã miền núi thuộc huyện Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa, Tp. Cam Ranh.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chính là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, “sự tri ân” của “miền xuôi” đối với “miền ngược”. Cần đẩy mạnh việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa các dân tộc, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc ở địa phương, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU và Nghị quyết số 16/NQ-HĐND của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Khánh Hòa.
Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 4 - 10/10. Các học viên sẽ được nghe giới thiệu 6 chuyên đề, gồm những nội dung toàn diện về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc như: Tổng quan các DTTS Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc; pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS; công tác quản lý nhà nước về văn hóa các DTTS công tác quốc phòng an ninh ở vùng DTTS và miền núi; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh ở vùng DTTS và tìm hiểu thực tế tại địa phương.
Cùng với đó, các học viên sẽ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng, công tác tuyên truyền và thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng DTTS và miền núi.
Qua các chuyên đề giúp học viên nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, chính sách dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; nắm bắt phong tục tập quán từng dân tộc. Từ đó, làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với công tác dân tộc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, an toàn xã hội tại cơ sở là người DTTS. Đồng thời, vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác, góp phần thực hiện tốt các nội dung của Chương trình MTQG 1719, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.