Nhiều di tích đình làng kiến trúc độc đáo đang bị xuống cấp
Nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có sự quan tâm của các cấp chính quyền và Nhân dân. Giai đoạn năm 2017 - 2022, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch tu bổ, chống xuống cấp hơn 60 di tích. Tuy nhiên, vẫn còn một số di tích đình làng có kiến trúc độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử chưa được quan tâm đầu tư, tôn tạo và đang bị xuống cấp.
Đơn cử như di tích đình Trà Long, phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đang bị xuống cấp, nhưng do nhiều vướng mắc về các quy định của Luật Đầu tư công, nên đến nay di tích vẫn chưa được tu sửa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, di tích đình Trà Long xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được các vua triều Nguyễn: Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định ban 7 sắc phong. Đình Trà Long có khuôn viên rộng 2.550m2, với nhiều hạng mục được xây dựng rất quy mô và có giá trị. Nhiều năm qua, đình Trà Long là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân địa phương.
Trải qua thời gian, hiện nay, các hạng mục của di tích đình Trà Long như: Nhà chánh điện, nhà tiền chế... các cột đình và tường đã xuất hiện nhiều vết nứt, mối mọt, ẩm mốc xuống cấp nghiêm trọng. Riêng phần mái đình làm bằng gỗ, lợp ngói đã bị xô lệch, có nhiều vị trí ngói đã bị vỡ, hư hỏng, dột nát.
Ông Trần Văn Gấm, Trưởng ban Quản lý di tích đình Trà Long, cho biết: Đình Trà Long đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm, có nguy cơ đổ sập trong mưa bão. Ban Quản lý đình đã nhiều lần ý kiến đến UBND TP. Cam Ranh, Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa có kế hoạch tu sửa, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa. “Chúng tôi rất lo lắng, khi mưa bão đình có thể bị dột, tốc mái và đổ sập”, ông Gấm cho biết.
"Tiềm năng du lịch văn hóa nói chung và du lịch tham quan đình làng nói riêng ở Khánh Hòa là rất lớn. Nhưng đáng tiếc là chúng ta còn lãng phí nguồn tài nguyên này", ông Nguyễn Văn Thích, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Khánh Hòa trăn trở.
Gỉai pháp tôn tạo, phát huy giá trị di tích đình làng
Về vấn đề này, ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết: Trước đây, một số doanh nghiệp du lịch cũng đã xây dựng tour du lịch đưa khách đến tham quan một số ngôi đình, như: Đình Lư Cấm, đình Ngọc Hội, đình Phú Vinh…Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, do một số quy định chưa rõ ràng, việc đưa khách về các đình này gặp khó khăn, nên chỉ thực hiện thời gian ngắn thì dừng lại.
“Hạ tầng của một số đình còn chật hẹp, đi lại khó khăn. Các điều kiện phục vụ du khách tại đây chưa được quan tâm. Đặc biệt các lao động phục vụ tại đây chưa được đào tạo, nên không có kỹ năng phục vụ du khách. Bên cạnh đó, một số điểm tham quan xung quanh các đình còn nghèo nàn và chưa được đầu tư tương xứng”, ông Nhựt nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở VHTT Khánh Hòa, hiện Ngành tập trung nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các di sản văn hóa có trên địa bàn; tổ chức thực hiện tốt các giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh; thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chú trọng giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết với du lịch.
Có thể khẳng định, các di tích đình làng ở Khánh Hòa có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, gắn liền với tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng, phổ biến trong đời sống Nhân dân, du khách luôn là việc làm vô cùng quan trọng. Qua đó, không chỉ gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp xưa, mà còn thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Vậy nên việc bảo tồn, khai thác giới thiệu được những giá trị tiềm năng này đến thế hệ trẻ, với bạn bè quốc tế, khách du lịch nước ngoài… là điều cần làm ngay.