Thiên nhiên kỳ vĩ
Đường từ Trung tâm huyện Kbang đi Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng uốn lượn quanh co, dài khoảng 65km, trải nhựa phẳng lì, giữa mênh mông rừng già với màu xanh ngút ngàn mà chúng tôi gọi là “Con đường màu xanh” hay “Quốc lộ trong mơ”... Hiện nay, các hoạt động về khai thác và phục vụ du lịch chưa được phổ biến, mọi hoạt động trải nghiệm ở đây đều phải thông qua Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng với sự hỗ trợ và giám sát của cán bộ, nhân viên ở đây.
Công tác kiểm tra và phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện rất nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, người đã có hơn 20 năm gắn bó với khu rừng nguyên sinh này kể từ ngày thành lập đến nay cho chúng tôi biết: “Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tại xã Sơn Lang, huyện Kbang hiện có 15.900 ha rừng nguyên sinh, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 8.746 ha và phân khu phục hồi sinh thái 7.154 ha. Cảnh quan ở nơi đây vẫn còn rất hoang sơ và chưa chịu sự tác động nhiều của con người nên vẫn giữ được vẹn nguyên vẻ đẹp vốn có. Đặc biệt, rừng nguyên sinh tại Kon Chư Răng vẫn còn các loại gỗ quý hiếm và nhiều loài động vật đặc hữu. Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được đánh giá có diện tích rừng che phủ xấp xỉ 99%, có giá trị đặc biệt về khoa học với hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm”.
Cuối năm 2020, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Giải thưởng môi trường Việt Nam nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.
Giám đốc Trịnh Viết Ty đã giới thiệu cho chúng tôi tổng quan về Khu bảo tồn và nhiệt tình hướng dẫn những lữ khách khi đi vào vùng lõi của đại ngàn như: Quy định về bảo vệ thiên nhiên, cảnh quan; ý thức tổ chức đi theo đoàn, cách bảo vệ bản thân khi đi trải nghiệm...
Trên đường đi vào vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, chúng tôi cũng thấy có từng nhóm khách đi bộ trong rừng để trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang dã và tôi tin đây cũng là sự lựa chọn thú vị, phù hợp với xu hướng tìm đến thiên nhiên giữa thời đại dịch này.
Sau gần 30 phút len lỏi giữa đại ngàn bằng xe máy, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá bằng hình thức đi bộ trong rừng với độ dốc khá cao. Vì đã được nghiên cứu trước nên chúng tôi đã chuẩn bị trang phục phù hợp nhất là chuẩn bị giày đi bộ trong rừng. Đặc biệt là phải có loại giày có thể leo núi, đi được dưới nước và phải là loại chống trơn trượt; các loại khẩu trang, bao tay, các loại thuốc chống côn trùng và nước uống vì cần bổ sung nước khi vận động.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước được công bố tại các hội thảo về bảo tồn thiên nhiên thì Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn hội tụ đủ các tiêu chí của một di sản thiên nhiên. Bằng chứng là nơi đây còn có những lớp đá tối cổ với niên đại từ 1,4 đến 2,5 tỷ năm cộng với hệ sinh thái vô cùng đặc biệt, phong phú với những loài động thực vật đặc hữu. Theo thống kê, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có 546 loại thực vật bậc cao, trong đó có 18 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và 7 loài được ghi trong sách Đỏ thế giới. Đối với hệ động vật có 392 loài, gồm có 62 loài thú, 169 loài chim và 161 loài bướm; trong đó có 31 loài thú và chim được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và 29 loài được ghi trong sách Đỏ thế giới.
Đánh thức tiềm năng và phát triển du lịch sinh thái
Không chỉ nổi tiếng với hệ sinh thái rừng đặc biệt và có giá trị, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng còn sở hữu những thắng cảnh kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ưu ái ban cho mảnh đất này. Đặc biệt là hệ thống thác nước tuyệt mĩ và hùng vĩ nhất Tây Nguyên- Thác Hoa (hay thác K40) và Thác Hang Én (thác K50) mà người dân và du khách đã đặt cho tên gọi mĩ miều: Công chúa giữa đại ngàn, Tây Nguyên đệ nhất thác… với nhiều truyền thuyết thú vị. Hệ thống thác nước tại đây được xếp vào bậc nhất quốc gia, trong đó có 12 ngọn thác có độ cao từ 10m trở lên. Với những tiềm năng và lợi thế của cảnh quan và hệ sinh thái, Kon Chư Răng có tiềm năng về du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Đây cũng sẽ là một địa điểm lý tưởng để nghiên cứu khoa học, giáo dục về môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng đệm.
Thác K40 (hay còn gọi là Thác Ktor Hoa, Thác Cô Tiên, Thác Hoa) có nhiều tên gọi gắn với những câu chuyện thú vị. Ông Trịnh Viết Ty cho biết, thác nước này đầu tiên được người Ba Na trong vùng gọi là KTor Hoa, nhưng khi người Kinh đến thì không quen gọi như vậy nên ít ai biết tên này. Sau đó, anh em trong Khu bảo tồn gọi là K40 vì thác có độ cao khoảng 40m. Còn thác Cô Tiên là do khách du lịch đặt tên vì khi chụp ảnh ngọn thác này thấy thấp thoáng có hình ảnh cô gái ngồi giữa hai ngọn nước như tiên nữ thoắt ẩn, thoắt hiện. Đến nay, theo sự thống nhất của các già làng và những người dân tại đây, thác này đã chính thức được gọi là Thác Hoa, vừa bảo đảm nguồn gốc tên gọi, vừa dễ nhớ và tôn lên vẻ đẹp mỹ miều của dòng thác.
Men theo con đường nhỏ được anh em trong Khu bảo tồn xây dựng để khách du lịch lên ngắm thác dễ hơn, ông Ty tâm sự, có lẽ do ở đây quá lâu nên anh đã xem nơi này như con của mình và mong muốn khu bảo tồn này luôn được giữ gìn, ngày càng phát triển. “Tôi luôn mơ ước Kon Chư Răng được bảo vệ, bảo tồn một cách tốt nhất cho, vừa phát triển được du lịch, phát huy giá trị tài nguyên quý hiếm, quảng bá rộng rãi vẻ đẹp của Kon Chư Răng tới khách du lịch. Qua đó cũng góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên quý hiếm”, ông Trịnh Viết Ty nói.
Dưới con mắt của những người làm du lịch, chúng tôi đã góp ý với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nên hạn chế hình thức du lịch tự phát. Nơi này chưa phải là Khu du lịch nên cần có sự quản lý đúng mức vì khách du lịch tự phát không được tổ chức để có người đi cùng hướng dẫn, nhắc nhở và chịu trách nhiệm giám sát, quản lý nên dễ gây ra những hậu quả đáng tiếc như: lạc trong rừng, bị tai nạn, té ngã, gặp thú rừng… khi đi tham quan và dễ gây hỏa hỏa hoạn khi nấu nướng hay đốt lửa, gặp các vấn đề về vệ sinh môi trường, bảo vệ thiên nhiên … Ngoài ra các đối tượng xấu còn dễ trà trộn hoặc núp danh du lịch tự phát để gây những điều bất lợi cho Khu bảo tồn.
Khu bảo tồn cần chọn lựa và hợp tác với các công ty lữ hành có đầy đủ chức năng và năng lực tổ chức tham quan du lịch sinh thái và trải nghiệm; cùng với họ trang bị các công cụ, dụng cụ cần thiết như: Dù, lều trại, túi ngủ, phông màn, lán trại, võng, dụng cụ y tế, thuốc men để phục vụ khách du lịch…
Thường xuyên tổ chức tập huấn hoặc trao đổi tài liệu để các công ty lữ hành tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên trong việc tổ chức, hướng dẫn và phục vụ du khách. Thường xuyên trao đổi và phối hợp cùng Ban Quản lý để tổ chức phục vụ đoàn khách một cách chu đáo và an toàn nhất. Các công ty Du lịch có trách nhiệm sàng lọc đối tượng khách tham quan phù hợp và chịu trách nhiệm với nguồn khách của mình khi đến tham quan du lịch tại Khu bảo tồn…
Nhưng trong Kon Chư Răng, Thác K50 (thác Hang Én) mới thực sự là Tây Nguyên đệ nhất thác. Như một sân khấu kỳ vĩ và lộng lẫy giữa thiên nhiên đại ngàn. Trước mắt chúng tôi là 2 cột nước trắng xóa sừng sững đổ dồn xuống lòng suối phía dưới ở độ cao hơn 54m, làm bọt nước và hơi nước tung tóe ra một không gian rất xa và rộng, lấp lánh sắc cầu vồng trong ánh nắng chói chang.
Đứng ở trung tâm hàm ếch nhìn về phía thác, giống như một “sân khấu” lộ thiên hùng vĩ mà bức màn nhung là dòng thác khổng lồ trắng xóa, phần trang trí là những tảng đá đen đầy đủ các kích cỡ được phủ lớp rêu xanh mướt, xung quanh là hệ thảm thực vật nhiều tầng với đủ loại lá hoa tạo nên không gian sinh động và bắt mắt. Khi đứng ở “sân khấu” này, chúng tôi tưởng mình là những nghệ sĩ biểu diễn với tâm hồn bay bổng giữa trời xanh, mây trắng, giữa không gian đại ngàn mênh mông và dàn giao hưởng thiên nhiên kỳ diệu của tiếng thác nước rộn rã, tiếng ve kêu rộn ràng, tiếng gió thổi mênh mang như tiếng sáo. Đó thực sự là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ….
Cả một góc rừng ở Kon Chư Răng hình như đến giờ vẫn còn tiếng cười nói rộn rã của chúng tôi. Nhưng như chúng tôi và Giám đốc Trịnh Viết Ty cùng những người đồng nghiệp của ông mong mỏi: “Làm thế nào để các ngành các cấp quan tâm nhiều hơn, các nhà đầu tư đến với Kbang nhiều hơn để cùng kết nối, đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn của Kon Chư Răng, phát triển du lịch sinh thái bền vững, thu hút bước chân của du khách khắp nơi về khám phá mảnh đất hoang sơ, hùng vĩ này”.