Với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”, Hội chợ Sâm Lai Châu 2022 được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Lai Châu với mục tiêu giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây Sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đến phát triển Sâm Lai Châu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của cây Sâm và các sản phẩm từ Sâm, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát biểu trong chương trình khai mạc, ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Sâm Lai Châu là cây đặc hữu có phân bố trung bình ở độ cao 1.400 - 2.200 m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa Đông phù hợp với phần lớn các xã vùng biên giới và vùng cao của tỉnh Lai Châu".
Các đề tài nghiên cứu khoa học về các giống Sâm của Lai Châu cho thấy, Sâm Lai Châu có những thành phần dược lý đặc biệt quý hiếm, tốt cho sức khỏe con người. Loài cây bản địa này rất phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Qua rà soát, đánh giá, Lai Châu xác định có hơn 38.000 ha có khả năng phát triển tốt Sâm Lai Châu. Hiện nay, Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100 ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sin Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi mong muốn Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác cần xứng danh với tên gọi "Quốc bảo" của Việt Nam. Chúng ta phải nỗ lực làm mọi cách để phát huy mạnh mẽ vai trò "Quốc bảo" trong quốc kế dân sinh. Điều đó có nghĩa là giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động, đặc biệt là người đồng bào DTTS ở vùng này có thu nhập cao, chứ không phải là làm thu nhập tốt cho một vài người".
Theo Chủ tịch nước, để đạt được tầm nhìn và mục tiêu nói trên, thì còn nhiều công việc cần chúng ta phải sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản. “Không để cho từng địa phương Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam... hoạt động manh mún, tự bơi trong triển khai chiến lược, mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện hơn nữa từ Chính phủ và các bộ, ngành”.
Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Lai Châu: “Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, Chương trình giảm nghèo bền vững… cần tạo thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây dược liệu, trong đó có cây Sâm Lai Châu gắn với chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; phấn đấu để người dân ở vùng cao, vùng biên giới của Lai Châu "sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng”. Điều này theo Chủ tịch nước rất phù hợp với phương châm của Hội chợ “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với cây Sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao Quyết định chấp nhận hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho tỉnh Lai Châu.