Dự Chương trình khai mạc có ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai. Về phía huyện Bắc Hà có ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Đặng Công Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo một số các phòng, ban của huyện và đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các huyện Si Ma Cai, Mường Khương (Lào Cai), huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang).
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Trần Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, Trưởng Ban Tổ chức Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2024 cho biết, Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2024, với chủ đề “Nghiêng say Mùa Đông” là 1 trong 4 sự kiện du lịch nằm trong khuôn khổ Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà, đại diện cho 4 mùa Xuân - Hạ - Thu – Đông, góp phần kích cầu du lịch, hướng tới phát triển Bắc Hà trở thành Khu du lịch cấp tỉnh đặc sắc, phấn đấu trở thành Khu du lịch quốc gia.
“Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà”, “Lễ hội đua ngựa”, “Chợ văn hóa Bắc Hà”, “Dinh thự kiến trúc nghệ thuật Hoàng A Tưởng”, “Chợ đêm Bắc Hà”… đã trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, mang thương hiệu riêng có của Du lịch Bắc Hà, hiện đã và đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà với chủ đề “Nghiêng say Mùa Đông” năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 30/11 – 7/12 với những hoạt động thi trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn nghệ thuật Khèn Mông, Hội thi “Văn hóa nghệ thuật Ẩm thực Bắc Hà” năm 2024 với mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Bắc Hà.
Đồng thời, du khách còn được tham gia giải du lịch thể thao tổng hợp, giải marathon vượt núi Tây Bắc lần thứ 3 năm 2024. Ngoài ra, còn rất nhiều các hoạt động hấp dẫn trong Dinh thự Hoàng A Tưởng để chào đón những vị du khách gần xa đến với mùa Đông Cao nguyên trắng Bắc Hà.
Đến với Đêm khai mạc Festival, người dân và du khách được hòa mình vào không gian văn hóa dân gian đầy sắc màu của các dân tộc huyện Bắc Hà qua chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Về miền Cao nguyên trắng” qua các tác phẩm “Múa bông chàm đi hội”, “Lời cây đàn tính”, “Người Mông ấm no”, “Đám cưới người Nùng”…
Các tiết mục thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân trên vùng "Cao nguyên trắng", là khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống đẹp giàu của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Hà.
Ngay sau Chương trình nghệ thuật là Hội thi trình diễn trang phục các DTTS huyện Bắc Hà năm 2024. Tại Hội thi, các đại biểu và du khách cùng bà con Nhân dân đã được thưởng thức các màn trình diễn trang phục truyền thống đặc sắc, sinh động, mãn nhãn của 6 đội thi với 180 diễn viên là cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường Tiểu học, THCS, Trường PTDTBT THCS&THPT trên địa bàn huyện Bắc Hà tham gia.
Mỗi đội đem đến Hội thi những tiết mục trình diễn trang phục truyền thống độc đáo, đặc sắc thông qua các trích đoạn lễ hội truyền thống, đám cưới, tái hiện lại đời sống sinh hoạt, lao động hằng ngày… cùng với lời thuyết minh, giới thiệu ngắn gọn, đầy đủ mà súc tích đối với từng bộ trang phục.
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao Giải Nhất cho Đội số 4 (gồm các trường trên địa bàn xã Nậm Mòn, Cốc Ly, Nậm Khánh, Bản Liền); Giải Nhì thuộc về Đội số 5 (gồm các trường trên địa bàn xã Hoàng Thu Phố, Tả Van Chư, Tả Củ Tỷ, Lùng Cải); 2 giải Ba thuộc về Đội số 2 (gồm các trường học trên địa bàn xã Na Hối, Thải Giàng Phố, Lùng Phình) và Đội số 3 (các trường trên địa bàn xã Bảo Nhai, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Nậm Đét); Giải Khuyến khích thuộc về Đội số 1 và Đội số 6.
Ngoài ra, Ban Tổ chức đã trao giải Chuyên đề cho Đội có phần thuyết trình trang phục ấn tượng nhất là Đội số 2 và Đội trình diễn trang phục đẹp nhất là Đội số 5.
Theo ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Bắc Hà: Cuộc thi lần này có sự đổi mới hơn so với những lần trước đó là các đội thi đã dàn dựng chương trình trình diễn trang phục các dân tộc như một chương trình nghệ thuật chứ không đơn thuần là giới thiệu trang phục dân tộc. Và các Đội đều có lễ hội truyền thống để giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.
Bên cạnh đó, có một điều mới nữa là chúng tôi đưa nội dung trình diễn trang phục truyền thống các DTTS vào nhà trường vì xác định một trong những người giữ gìn văn hóa tốt nhất không ai khác chính là những em học sinh.
Từ ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của các em học sinh, sẽ góp phần lan tỏa trang phục truyền thống ra cộng đồng, thông qua biết cách làm ra trang phục, mặc trang phục truyền thống và hiểu hơn về văn hóa trang phục...