"Mở rộng thị trường mới, không bỏ rơi thị trường nội địa"
Theo thống kê, hiện lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao…; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…
Trước khó khăn của các địa phương trong việc tiêu thụ nông, thủy sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị chức năng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành chế biến nông sản thực phẩm để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Vừa đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối truyền thống, vừa tập trung phát triển các kênh phân phối hiện đại, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, với phương châm “mở rộng thị trường mới, không bỏ rơi thị trường nội địa”.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tiến hành các phiên giao thương kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thủy sản của khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên với các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu trong nước, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử, kết hợp tư vấn phát triển thị trường cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.
Ở thị trường trong nước, đại diện SaigonCo.op cho biết, hiện nay, SaigonCo.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Đặc biệt, hai bên đang phối hợp xây dựng sàn giao dịch nông sản, hỗ trợ liên kết trao đổi thông tin, tăng tiêu thụ nông sản, thủy sản của các địa phương trên nền tảng thương mại điện tử.
SaigonCo.op cam kết kết nối tiêu thụ, phân phối hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện nay Tổ công tác đặc biệt đang tiếp tục kết nối nông sản Tây Nguyên và Nam bộ vào hệ thống siêu thị Vinmart với Sở Công Thương các tỉnh phía Nam với để thu mua các mặt hàng trái cây, nông sản của các địa phương, đưa vào chương trình bán hàng theo “combo”.
Các chương trình kết nối cung cầu nông sản của Tổ công tác đặc biệt đã mang lại hiệu quả tương đối tích cực. Đơn cử, Sở Công Thương Long An đã ngay lập tức kết nối với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương khi trái thanh long đến vụ thu hoạch khó tiêu thụ do sản lượng tăng vọt. Ngay sau khi nhận được thông tin, Tổ công tác đặc biệt đã kết nối cho các nhà cung ứng với những kênh phân phối lớn như Aeon Việt Nam, Bách Hóa Xanh, Big C, Co.opmart… Nhờ đó, sản phẩm thanh long đến nay đã cơ bản được các kênh bán lẻ cam kết tiêu thụ hết. Chẳng hạn Bách Hóa Xanh đã cam kết tăng lượng tiêu thụ từ 4-5 tấn/tuần sang 15 tấn/ngày.
Tương tự, huyện Châu Thành - địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp - dự kiến có hơn 340ha nhãn đến thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến khoảng 4.000 tấn. Để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, Sở Công Thương Đồng Tháp đã phối hợp cùng Tổ công tác đặc biệt kết nối với hệ thống siêu thị Big C và hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh. Các đơn vị này cam kết thu mua cho nông dân với giá cố định và bán không lợi nhuận nhằm hỗ trợ nông dân đầu ra đến khi thu hoạch dứt điểm vụ nhãn.
Theo đại diện hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, việc kết nối này vừa góp phần giải tỏa ùn ứ cho nông sản lại vừa cung ứng kịp thời cho những khu vực thiếu hụt, nhu cầu cao như TP. Hồ Chí Minh. Ước tính, tổng sản lượng trái cây mà Bách Hóa Xanh thu mua và bán trên toàn hệ thống phân phối của mình đạt khoảng 200 tấn/ngày, trong đó riêng thị trường TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70%.
Đưa nông sản đến với doanh nghiệp nước ngoài
Về phía các thương vụ tại nước ngoài, Thương vụ Việt Nam tại Đức cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam lên các kênh thương mại uy tín; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được đưa vào thí điểm từ tháng 5/2021. Ngoài ra, Thương vụ sẽ xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết hợp văn hóa lịch sử, dấu ấn văn hóa trên nền tảng số (bên cạnh mô hình truyền thống) để quảng bá cho nông sản, góp phần tích hợp đa giá trị vào sản phẩm xuất khẩu.
Tiếp nối chuỗi hoạt động trong chương trình “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021”, trong 02 ngày 09-10/8/2021, Bộ Công Thương đã tiến hành các phiên giao thương kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thủy sản của khu vực Nam bộ, Tây Nguyên với các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu trong nước, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử và nhà nhập khẩu nước ngoài, kết hợp tư vấn phát triển thị trường cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.
Phiên giao thương thủy sản Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu)” đã được tổ chức với sự tham gia của 19 nhà nhập khẩu, thương nhân Quảng Châu giao dịch với 30 doanh nghiệp nông sản Việt Nam. Phiên giao thương cũng đồng thời thu hút hơn 30 công ty thủy sản Việt Nam khác cùng tham dự để nắm thông tin nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Phiên giao thương B2B đã kết nối hơn 90 doanh nghiệp Việt Nam với 20 doanh nghiệp nhập khẩu đến từ nhiều quốc gia như (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Pakistan, UAE (Châu Á), CH Séc, Đức, Rumani (Châu Âu); Senegal, Algerie (Châu Phi); New Zealand. Đồng thời, phiên tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Hà Lan và đã thu hút trên 100 doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam tham dự.