Đầu tháng 6/2022, cô Nguyễn Thị T., giáo viên Trường THCS Anh hùng Wừu, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã có đơn gửi đến Báo Dân tộc và Phát triển, tố cáo về hành vi sai phạm của Ban Giám hiệu (BGH) Trường THCS Anh hùng Wừu. Được biết, trước đó cô giáo T. cũng đã gửi đơn đến các cơ quan thẩm quyền của huyện Đak Đoa phản ánh, tố cáo về hành vi sai phạm của BGH Nhà trường.
Theo đơn tố cáo, BGH Nhà trường thực hiện không minh bạch trong việc can thiệp vào kết quả thi cử của học sinh. Cụ thể: 7 em học sinh khối 9 vắng học, bỏ học quá 45 ngày và không đi thi học kỳ II năm học 2021 - 2022, nhưng vẫn có điểm thi.
Cô T. cho biết: “Trong năm học 2021 - 2022, tôi được phân công dạy bộ môn Vật Lý khối 9 toàn trường, gồm 2 lớp 9A và 9B. Qua quá trình giảng dạy, tôi thấy có 7 em học sinh khối 9 vắng học, bỏ học quá 45 ngày và không đi thi học kỳ II. Lịch thi học kỳ II năm học 2021 - 2022 của khối 9 bắt đầu từ ngày 9/5/2022 đến ngày 12/5/2022. Đến ngày 13/5 và 14/5 tôi tiếp tục hỏi giáo viên chủ nhiệm và học sinh của 2 lớp có học sinh nào ra thi lại hay không, thì nhận được câu trả lời là không”.
BGH trường yêu cầu giáo viên bộ môn phải nhập và hoàn thành điểm để tổng kết môn cho học sinh trong ngày 14/5. Theo đó, cô giáo T. đã thực hiện theo sự chỉ đạo và có nhập điểm 0 cho 7 học sinh này theo quy định (có thể hiện giờ nhập, ngày nhập và tên người nhập trên Smas).
Thế nhưng, đến sáng thứ Ba ngày 17/5, cô T. lại bất ngờ nhận được 7 bài kiểm tra môn Vật lý của 7 em học sinh đã nghỉ học do giáo viên chủ nhiệm lớp 9 đưa và bảo cô T. chấm. Vì không biết 7 em học sinh đó ra thi lại lúc nào, cũng không có thông báo về thời gian hay thành lập Hội đồng thi lại, các quyết định coi thi, chấm thi lại… nên cô T. đã không chấm bài.
“Sáng ngày 21/5, thầy Nguyễn Hữu Quyền, Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên có mang bảng điểm và yêu cầu tôi nhập lại một lần nữa, nhưng tôi vẫn không đồng ý. Sau đó, một Quản trị trường đã tự ý nhập điểm trên Smas (có thể hiện số lần, ngày giờ và tên người nhập trên Smas)”, cô T. cho biết thêm.
Theo đơn phản ánh của cô T., phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã xuống cơ sở gặp trực tiếp 6/7 em học sinh của 2 lớp 9A, 9B, gồm em Mrên, Yan, Yoanh, Như, Pôn, Tuế. Các em đều xác nhận đã nghỉ học hết học kỳ II. Đồng thời, lớp trưởng của 2 lớp trên cùng gia đình đều khẳng định các em đã nghỉ học và không ra thi lại.
Em Yan, học sinh lớp 9A nói: “Em đã nghỉ học từ học kỳ II, em cũng không đi thi”.
Còn phụ huynh em Mrên, bà Brang cũng cho biết: “Động viên nó đi học mà nó không chịu. Đi thi cũng không đi. Giờ em nó nghỉ học đi làm theo người lớn thôi”.
Nghỉ học, không đi thi, 7 em học sinh đã nghỉ học quá 45 ngày và không ra thi lại nhưng vẫn có điểm thi?
Ngoài ra, theo đơn tố cáo, học kỳ II năm học 2021 - 2022, bà Cao Thị Kiều Oanh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Anh hùng Wừu, được phân công dạy môn Giáo dục địa phương khối 6. Thế nhưng, khi trao đổi với phóng viên, các em học sinh và phụ huynh khối 6 đều khẳng định bà Oanh không dạy môn Giáo dục địa phương khối 6 vào buổi chiều.
“Buổi chiều em chỉ học môn Vật lý, không học môn Giáo dục địa phương. Cô Oanh cũng không dạy chúng em tiết nào vào buổi chiều”, em Hiếu, lớp 6A cho biết.
"Sáng đi học, chiều ở nhà chơi thôi. Một tuần chỉ học 1 tiết Giáo dục địa phương vào buổi sáng”, chị Nhưk, phụ huynh 2 em Son, Sa lớp 6D cho biết thêm.
Tuy nhiên, sổ đầu bài các tiết buổi chiều lên lớp vẫn đều đặn có chữ ký của cô Oanh (?). Phóng viên đã điện thoại liên lạc với Hiệu trưởng Cao Thị Kiều Oanh, nhưng cô Oanh nói không biết về sự việc có đơn tố cáo và đang đi vắng, sự việc đã có ngành Giáo dục giải quyết.
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Phạm Ngọc Hai, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Đoa, cho biết: Vấn đề giáo viên phản ánh Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện có nhận được và hiện đang được các cơ quan chức năng của huyện Đak Đoa thực hiện các bước kiểm tra, xác minh. Trong khi còn đang kiểm tra, thanh tra, phòng Giáo dục huyện cũng đang chờ kết luận, nên cũng chưa rõ cụ thể đúng sai.
Điều đáng nói, Trường THCS Anh hùng Wừu thuộc khu vực xã đặc biệt khó khăn, gần 100% học sinh là con em đồng bào DTTS. Báo cáo hằng năm, đều nêu về công tác vận động học sinh ra lớp luôn được Nhà trường quan tâm thực hiện khá chặt chẽ. Chỉ cần có học sinh nghỉ học không lý do, là giáo viên đã liên lạc ngay với phụ huynh để tìm hiểu rõ, động viên các em tiếp tục đến trường. Vì vậy, tỷ lệ học sinh duy trì sĩ số của trường hàng năm đều đạt.
Như vậy, nếu có diễn ra tình trạng tự ý “cấy” điểm, ký khống sổ đầu bài cùng những phản ánh khác với những gì trong báo cáo, thì sẽ dẫn đến nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh đặt ra câu hỏi, việc 7 em học sinh nghỉ học, nhà trường đã nắm bắt tình hình và có vận động học sinh ra lớp? Có hay không việc BGH tự ý sửa điểm cho học sinh đã bỏ học? Việc ký tên đều đặn trên sổ đầu bài dù không đứng lớp nhằm mục đích gì?...
Có hay không sự việc trên, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc!