HTX 6/12 Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã liên kết, hợp tác với HTX Dịch vụ tổng hợp Công Tâm và Công ty An Thịnh Cường Phát, huyện Văn Yên cùng nhau liên kết phát triển chuỗi sản phẩm quế trong chế biến tinh dầu quế. Từ mối liên kết này, HTX đã đầu tư máy móc, dây chuyền chưng cất tinh dầu hiện đại, nâng tỷ lệ và chất lượng sản phẩm thu được.
Cùng với đó, HTX này cũng đầu tư dây chuyền băm, nghiền ép cành, lá quế tận dụng cành, lá đã chiết xuất tinh dầu ép thành chất đốt, phục vụ các nhà máy sản xuất nhiệt tại một số khu công nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh, sản xuất phân bón hữu cơ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản... nâng giá trị cây quế lên 40% so với trước.
Nhờ liên kết, HTX ngày càng làm ăn hiệu quả. Doanh thu của HTX năm 2020 ước đạt trên 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 40 lao động với thu nhập bình quân 5,0 - 5,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể thu nhập từ các hộ thành viên nhờ giá trị tăng thêm từ thu nhập đồi rừng, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ sự mạnh dạn thay đổi, sáng tạo về cách tổ chức, hoạt động và có sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xây dựng và phát triển được các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực: quế, măng tre Bát độ, chè... Nhiều HTX đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo cho biết: "Một số mô hình liên kết đi vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất - HTX - doanh nghiệp - thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên HTX và người lao động trong doanh nghiệp”.
Riêng 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh thành lập mới 69 HTX, đạt 115% kế hoạch năm và tăng 3% so cùng kỳ, với tổng vốn điều lệ trên 112 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 9/2021, toàn tỉnh có 570 HTX với tổng vốn điều lệ trên 1.320 tỷ đồng, doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 1.360 triệu đồng, lãi bình quân 285 triệu đồng.
Ngày càng có nhiều mô hình HTX kiểu mới, thực hiện liên kết và tiêu thụ với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra theo hợp đồng dịch vụ, gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, tự sản, tự tiêu. Đặc biệt, quan hệ giữa HTX và thành viên thể hiện rõ sự bình đẳng, dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh.
Các HTX trên địa bàn tỉnh hiện nay, đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 9.000 lao động, với thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm; số lao động làm việc thường xuyên trong các tổ hợp tác trên 12.000 người, với thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm. Bình quân mỗi năm các HTX đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 40 tỷ đồng. Nhiều HTX đã chủ động, tích cực với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững…
Từ những việc làm, con số trên là minh chứng rõ nét cho thấy khu vực KTTT, nhất là các HTX đã có những chuyển biến rõ nét theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, phát triển đồng đều từ vùng thấp đến vùng cao. Các HTX ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ. Thông qua cung ứng dịch vụ, việc làm, nhất là HTX nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân… còn đóng vai trò là "bà đỡ” của bà con xã viên.
Việc phát triển những HTX kiểu mới, đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng, xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu có chỗ đứng ngày càng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho các thành viên, người lao động trong HTX và tạo lợi nhuận cao cho HTX, doanh nghiệp. Các mô hình này đã tạo sức lan tỏa lớn cho phong trào phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái.