Hội thảo sẽ chính thức diễn ra trong ngày 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (Tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) và trực tuyến tại một số điểm cầu qua nền tảng Internet với tổng số khách mời tham dự khoảng hơn 800 đại biểu.
Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia.
Trong phiên toàn thể, Hội thảo sẽ nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã thông tin về chương trình như sau: Đây là diễn đàn để các bộ, ngành địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận để làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn.
Từ cơ sở trên sẽ đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp để đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng. Hội thảo được tổ chức cũng nhằm hướng tới Kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).
Ông Sơn cũng cho biết, dự kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng sẽ đồng chủ trì Hội thảo.
Trong buổi Họp báo, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Công tác đào tạo, xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Trong đó, chúng ta đã có đề án, chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Đến hiện tại, bộ đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo tờ trình Chính phủ liên quan đến nhiệm vụ này.
Tại Họp báo, bà Trịnh Thị Thủy cho biết, bộ đã đề cập và đánh giá các vấn đề sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ làm văn hóa ở Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Trong đó, nhiều địa phương chưa bố trí cán bộ đúng năng lực và sở trường đảm nhận vai trò của người cán bộ văn hóa.
Ngoài ra, bà Trịnh Thị Thủy cũng đề cập đến việc bố trí, đào tạo cán bộ ngành văn hóa liên quan đến cả hệ thống chính trị và hy vọng các địa phương sẽ nêu cụ thể đề xuất, giải pháp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.
Với các lĩnh vực đặc thù, bà Trịnh Thị Thủy cho biết, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định về chính sách đặc thù cho lực lượng văn nghệ sĩ. Việc này nhằm khắc phục những vướng mắc về đãi ngộ cho văn nghệ sĩ, nhất là các lĩnh vực đặc thù như múa, xiếc.
"Tuổi nghề của những lĩnh vực này rất ngắn, việc cống hiến, trình diễn trên sân khấu không nhiều. Không phải cứ vắt kiệt sức lực của các nghệ sĩ lúc họ sung sức, sau đó lúc không đủ sức khỏe, không làm nghề nữa thì không được quan tâm", bà Trịnh Thị Thủy nêu.
Do đó, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ để có nghiên cứu đề xuất. Bộ kỳ vọng tại hội thảo tới đây sẽ nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, các địa phương và văn nghệ sĩ với các lĩnh vực đặc thù.