Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,7 triệu ca mắc và hơn 600.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 14.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo khuyến cáo mới nhất vừa được Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra, các trường học ở nước này nên tiếp tục yêu cầu học sinh và giáo viên đeo khẩu trang trong lớp học, vì không phải tất cả học sinh được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ. Trong đó, tất cả các trường từ mẫu giáo đến trung học nên thực hiện những chiến lược phòng dịch COVID-19, đồng thời ưu tiên áp dụng quy định đeo khẩu trang và giãn cách. Cơ quan trên nêu rõ, giáo viên và học sinh cần đeo khẩu trang mọi lúc trong khuôn viên trường học và trên xe bus, đồng thời duy trì khoảng cách tối thiểu 2m.
Theo một số báo cáo của giới chức Mỹ, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh tế - xã hội tại nước này đang trở lại bình thường. Tuy nhiên, với việc cùng lúc nhiều người đổ ra ngoài không gian công cộng hơn khi thời tiết ấm lên, nguy cơ xảy ra các vụ va chạm, thậm chí bạo động có thể xảy ra.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 24,9 triệu người đã mắc COVID-19, bao gồm hơn 274.400 trường hợp không qua khỏi. Ngày 16/5, Ấn Độ báo cáo hơn 281.800 ca nhiễm COVID-19 mới, mức thấp nhất trong hơn 3 tuần qua, và gần 4.100 trường hợp tử vong. Đây là lần thứ 4 trong vòng 1 tuần, số ca tử vong hàng ngày tại Ấn Độ lên mức hơn 4.000 ca.
Trong bối cảnh giới chức y tế liên bang cảnh báo không nên có tâm lý tự mãn, chủ quan trước dịch bệnh, nhiều bang của Ấn Độ đã quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đang ổn định và Chính phủ nước này cam kết nỗ lực để mang lại sự ổn định hơn nữa. Nhiều bang từng là tâm dịch như Maharashtra, Gujarat, Delhi, Haryana và Madhya Pradesh đang báo cáo tỷ lệ ca mắc COVID-19 giảm đáng kể.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ chuyển thêm 5,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới các bang trong 3 tuần tới. Mặc dù Ấn Độ là quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới nhưng chỉ 141,6 triệu người nước này, chiếm khoảng 10% dân số, mới được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Khoảng hơn 40,4 triệu người, tương đương 2,9% dân số, được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 36.800 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 435.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 15,6 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Pháp chuẩn bị gỡ bỏ các lệnh cấm phong tỏa, tái mở cửa nhà hàng và các hoạt động giải trí, văn hóa. Đây là điều mà người Pháp đã chờ đợi từ lâu. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với một đời sống xã hội bình thường mà còn cho người dân hy vọng về khả năng kiểm soát dịch. Lệnh gỡ bỏ phong tỏa đã được Chính phủ Pháp công bố. Đến nay, Pháp là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới với trên 5,8 triệu ca mắc và hơn 107.600 trường hợp thiệt mạng.
Australia đang có kế hoạch bắt đầu mở cửa lại biên giới bắt đầu từ giữa năm 2022. Đây là tuyên bố được Thủ tướng Australia Scott Morrison đưa ra vào ngày 16/5 nhằm chống lại sức ép đòi chấm dứt việc đóng cửa biên giới của một số doanh nghiệp và chính trị gia. Theo ông Morrison, kế hoạch trên được đưa ra dựa trên các tư vấn về y tế trong bối cảnh làn sóng COVID-19 mới bùng phát trở lại ở một số nước.
Australia đã đóng cửa biên giới với những người không có quốc tịch và không cư trú từ tháng 3/2020. Chỉ có công dân nước này đang sống ở nước ngoài mới được trở về nước. Chính việc đóng cửa biên giới kết hợp với việc nhanh chóng truy vết những ca mắc mới và tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch đã giúp Australia trở thành một trong những nước kiểm soát thành công đại dịch COVID-19.
Từ cuối tuần qua, Hy Lạp đã chính thức bắt đầu mở cửa trở lại cho khách du lịch sau nhiều tháng phong tỏa. Khách du lịch sẽ được phép đến Hy Lạp nếu đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Các viện bảo tàng sẽ được mở cửa trở lại để phục vụ du khách. Hiện Hy Lạp đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để thúc đẩy hồi sinh ngành du lịch. Mục tiêu là có thể đạt doanh thu khoảng 7 tỷ Euro từ ngành du lịch trong năm nay.
Cùng ngày 16/5, quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 23/5 tới. Trước đó, nhằm khống chế dịch COVID-19, Bangladesh đã tuyên bố phong tỏa đất nước trong 8 ngày từ ngày 14/4 - 21/4, sau đó gia hạn biện pháp này đến ngày 16/5. Như vậy, đây là lần thứ 2 quốc gia Nam Á này gia hạn biện pháp phong tỏa. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 363 trường hợp mắc và 25 người tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca mắc và tử vong lần lượt là trên 780.100 và hơn 12.100.
Số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đã vượt ngưỡng 100.000 ca sau khi giới chức nước này vào ngày 16/5 thông báo về việc ghi nhận thêm hơn 2.300 trường hợp nhiễm mới cùng 24 bệnh nhân tử vong vì dịch bệnh này. Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan vào đầu năm 2020, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 101.447 ca nhiễm, trong đó có 589 người tử vong.
Thái Lan đã điều chỉnh bản đồ phân vùng các tỉnh có bệnh nhân COVID-19, giảm số lượng các tỉnh thuộc "vùng đỏ sẫm" thuộc diện kiểm soát tối đa xuống còn 4 tỉnh gồm Bangkok, Nonthaburi, Samat Prakan và Pathum Thani. Các tỉnh còn lại gồm 17 tỉnh thuộc "vùng đỏ" và 56 tỉnh thuộc "vùng da cam".
Ngày 16/5, Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm với tổng số 350 ca được phát hiện trong ngày trên cả nước, trong đó có 9 trường hợp nhập cảnh. Hiện Campuchia có tổng cộng 22.184 ca mắc COVID-19, trong đó 12.120 người được điều trị bình phục và 150 ca tử vong.
Tổng số ca nhiễm mới giảm trong 5 ngày liên tiếp nhưng người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, cảnh báo, nếu chủ quan, các biến thể B-1617 ban đầu phát hiện ở Ấn Độ và B-117 được phát hiện ở Anh có thể lây lan nhanh chóng. Phát biểu trên Đài truyền hình Quốc gia ngày 16/5 về tình hình dịch bệnh trong nước, Tiến sĩ Or Vandine cho rằng, những biến thể từ Ấn Độ và Anh có tốc độ lây nhiễm cực nhanh và gây hậu quả tàn khốc.
Bộ Y tế Singapore ngày 16/5 thông báo ghi nhận thêm 49 ca mắc COVID-19, trong đó có 38 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất tại đảo quốc này kể từ giữa tháng 9/2020 và là ngày có số người lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất kể từ ngày 14/4/2020 với 40 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến nay, Singapore có hơn 61.500 người đã mắc COVID-19, trong đó có 31 người không qua khỏi. Trong nhiều tháng qua, Singapore không ghi nhận hoặc chỉ ghi nhận số ca nhiễm trong cộng đồng theo ngày ở mức 1 con số. Tuy nhiên, số ca nhiễm đã tăng trong những tuần gần đây. Trong số các ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, có 18 ca chưa rõ nguồn lây. Trước tình hình trên, chính quyền "đảo quốc Sư tử" đã quyết định áp đặt lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến hoạt động công cộng và tụ tập đông người từ ngày 16/5.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 5.790 ca mắc mới, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên trên 1,14 triệu trường hợp. Cũng trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 140 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số người không qua khỏi tại nước này lên gần 19.200 trường hợp.
Bộ Y tế Lào chiều 16/5 thông báo, nước này đã ghi nhận thêm 21 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Sau 25 ngày áp dụng lệnh phong tỏa, thủ đô Vientiane của Lào vẫn ghi nhận toàn bộ 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, tại Vientiane, các điểm lây nhiễm mới tiếp tục xuất hiện với những ca bệnh mất dấu F0. Tuy nhiên, việc hầu hết các tỉnh, thành còn lại không ghi nhận ca mới hoặc nếu có đều là những trường hợp nhập cảnh, được cách ly ngay cho thấy, tình hình dịch tại Lào đang có xu hướng lắng dịu dù vẫn còn các yếu tố nguy cơ từ các ổ dịch chưa được truy vết hết và đặc biệt là từ các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Trước tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan, đang có diễn biến ngày càng phức tạp, chính quyền các cấp của Lào đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, trong đó không phạt các công dân Lào lao động trái phép ở nước ngoài trở về nước, tăng cường tuần tra biên giới và nghiêm trị các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc tiếp tay cho hoạt động nhập cảnh trái phép. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.591 ca nhiễm, trong đó có trên 1.400 trường hợp lây nhiễm cộng đồng và phần lớn được ghi nhận từ cuối tháng 4 đến nay.