Bảo tàng các dân tộc miền Tây Nghệ An tại Quỳ Châu được xây dựng năm 1975, hoàn thành vào năm 1976 và đưa vào hoạt động ngày 2/9/1979, chỉnh lý trưng bày năm 2010. Với diện tích trưng bày 250 m2 trong kiến trúc của một nhà sàn, Bảo tàng đang trưng bày khoảng 400 các tài liệu, hiện vật, tư liệu lịch sử của các DTTS miền Tây Nghệ An (Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu và Mông) và các tài liệu về sự ra đời, hoạt động của 3 huyện miền núi: Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp…
Trải qua 45 năm hoạt động, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt, nên bảo tàng đã xuống cấp nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất lẫn nội dung trưng bày. Hiện, mái nhà hư hỏng, bị dột, sàn, các cột, cầu thang đã bị mối mọt không an toàn cho khách tham quan. Hệ thống trưng bày nội thất đã lạc hậu, tài liệu, hiện vật bị xuống cấp do không có thiết bị bảo quản phù hợp...
Do đó, việc đầu tư nâng cấp Bảo tàng là việc làm cần thiết, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS tỉnh Nghệ An gắn với phát triển du lịch vùng miền Tây Nghệ An.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An sẽ được xây dựng nhà bảo tàng chính trên khuôn viên khoảng 8.855,40 m2. Hệ thống trưng bày ngoài trời gồm: Nhà ở của 5 DTTS có cộng đồng người sinh sống đông tại Nghệ An là: Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu và trưng bày các hiện vật, công cụ, tài nguyên thiên nhiên; xây dựng các hạng mục phụ trợ khác như sân lễ hội, hồ - cọn nước, biểu tượng văn hóa dân tộc…
Tại Hội thảo, đã có nhiều tham luận về các nội dung như: Lịch sử quá trình hình thành và phát triển cộng đồng các dân tộc miền Tây Nghệ An; quan điểm trưng bày về hệ thống trưng bày ngoài trời; bảo tàng xây dựng các không gian trưng bày, các hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc, thu hút được khách du lịch trong nước và quốc tế, qua đó góp phần vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc...