Tình hữu nghị sắt son
Ít năm trước, Tết với những người dân ở xã nghèo Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) nét buồn vẫn vương trên nhiều khuôn mặt bởi cái đói, cái nghèo luôn quanh quẩn. Nhưng nay, người Nậm Cắn đã dần vươn lên cuộc sống mới, tình hữu nghị giữa
cộng đồng người Việt với người Lào được tô thắm hơn.
Nở nụ cười chứa ẩn nhiều kỳ vọng, tự tin đón Xuân mới, ông H’Dìu (người Thái ở bản Tiền Tiêu, Nậm Cắn) quả quyết rằng: Chỉ có nỗ lực hội nhập, liên tục cập nhật kiến thức, trao đổi và học hỏi lẫn nhau mới tạo nên được sự ấm no. Ở biên giới này dù là dân tộc Thái, Mông, Khơ-mú, Kinh… đều xem nhau như anh em, xem những người ở nước bạn Lào là khách quý. Áp Tết, gần như cả xã Nậm Cắn lại đến chợ Nậm Cắn để học các nét tinh túy trong ngày Xuân của người Lào.
Chợ Nậm Cắn nằm gần cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn còn có tên gọi khác là chợ hữu nghị Việt-Lào. Đó vừa là nơi giao thương quan trọng giữa huyện Kỳ Sơn với huyện Nọong Hét (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) đồng thời cũng là điểm hội tụ, lan tỏa tình đoàn kết Việt-Lào. Chợ mỗi tuần họp một lần, vào cuối tuần.
Anh Sùng A Thanh (dân tộc Mông) ở Nậm Cắn thoát nghèo cũng chính từ những cuộc gặp với bạn lạ lẫn bạn quen ở chợ. Sùng A Thanh bảo: Chẳng riêng gì mình, nhiều người khác cũng thế. Đến chợ học cách buôn bán, học những người bạn Lào cách trồng cây ăn quả. Phụ nữ thì học may vá, thêu thùa. Nhìn những sản phẩm độc đáo, mình mê mẩn, muốn học là họ chỉ dạy ngay thôi. Có người đến chợ còn tìm được bạn đời, tình nghĩa giữa hai miền biên viễn càng đậm đà hơn. Từ những cuộc gặp với những người bạn Lào, vợ chồng Sùng A Thanh đã học cách dệt vải, dệt cả sản phẩm của Lào lẫn Việt Nam đến bán cho nhiều chợ ở Kỳ Sơn.
Nhìn những bản làng yên bình, Đại úy Hồ Quang Hiếu, Chính trị viên của Đồn Biên phòng Nậm Cắn như xua tan đi bao lo lắng, anh bộc bạch: Giữ vững an ninh trật tự, nhất là trong các dịp Lễ hội hay ngày Tết là rất quan trọng. Thế nhưng tình hữu nghị giữa người Việt Nam với người Lào đã góp phần hạn chế cái xấu, giữ bình yên. Biên phòng phía hai nước liên tục động viên bà con xây dựng cuộc sống mới, dẹp bỏ các hủ tục.
Sẻ chia và hội nhập
Từ chỗ chỉ biết quen với ruộng nương và nội trợ, những người phụ nữ Mông, Thái… ở Kỳ Sơn đã biết thay đổi tư duy, nếp nghĩ vượt qua đói nghèo. Chị Vi Thị Hảo và nhiều phụ nữ khác ở bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn) chia sẻ: Bản mình có sản phẩm độc đáo đó là thổ cẩm. Thổ cẩm người Noong Dẻ dệt không chê vào đâu được, vừa bền vừa cuốn hút. Những người bạn Lào đến học, chúng tôi dạy tại chỗ. Người Lào lại dạy chúng tôi cách trồng cây dược liệu quý ngay trong vườn nhà mình, có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống không vất vả nữa.
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cái tình, cái nghĩa của những người bạn phía bên kia biên giới tiếp thêm cho gia đình bà Vi Thị Hậu (bản Tiền Tiêu, Nậm Cắn) nhiều niềm vui. Bà Hậu tâm tình rằng: Đợt rét đậm, rét hại cách đây tròn hai năm, mình chết bò, chết trâu. Nhiều người bạn Lào bảo lên biên giới, lên chợ Nậm Cắn họ dạy cho cách làm máy may, lại hỗ trợ cho mua bò mới. Giờ lúc nông nhàn tìm đến cửa hàng may, công ty may để làm thêm. Xuân Kỷ Hợi này đã sắm thêm được nhiều phương tiện nghe nhìn để nắm bắt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước...
Già làng Lừ Pò Thi (bản Tha Đo, xã Mường Típ, Kỳ Sơn) Xuân nào cũng đến từng nhà nói với từng người hãy giữ lấy nếp sống đẹp và học hỏi thêm cái hay của nước bạn. Những gia đình có con cái dựng vợ, gả chồng sang Lào thì ngày Tết nên thường xuyên đến thăm nhau. Hiện, riêng bản Tha Đo đã có 7 cặp vợ chồng Việt-Lào. Cả miền biên giới Kỳ Sơn thì rất nhiều.
Từ ngày lấy được vợ người Việt ở bản Tha Đo (xã Mường Típ), Xuân nào, Nay Thoong Vieng cũng sang thăm và mang theo những bài dân ca đặc sắc của Lào như: Lăm tơi khõng, Lăm pu thay, Loi ka thông… cho những chàng trai, cô gái và người dân Kỳ Sơn thưởng thức. Thoong Vieng vẫn thường tâm tình với những người bạn gốc Lào của mình rằng: Dân tộc Việt và Lào bao đời nay gắn bó, đỡ đần, thương yêu nhau, có kinh nghiệm quý gì thì phải chia sẻ cho nhau.
Để làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai dân tộc, tình đoàn kết bền chặt giữa các buôn làng thì ngoài việc tổ chức các phiên chợ, các cuộc gặp gỡ, Đồn Biên phòng Nậm Cắn còn in các bản tin bằng 2 thứ tiếng Việt-Lào hướng dẫn bà con cách làm ăn, cách giữ gìn an ninh trật tự, cách nhận diện kẻ gian xâm nhập vào bản làng. Từ đó, những mùa Xuân lẫn ngày thường sẽ yên bình trọn vẹn hơn.
Đ.HƯNG - L.THANH