Hội thảo do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì tổ chức, với dự tham dự của các đại biểu là Thường trực Hội đồng Dân tộc; Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các chuyên gia, nhà khoa học; Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội. Các ông, bà nguyên là lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc.
Chủ trì và phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng Dân tộc tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học, pháp lý, thực tiễn làm cơ sở để đề xuất xây dựng Hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Dù rất cần thiết phải được ban hành, nhưng đây là dự án Luật thai nghén lâu nhất, bởi dự án Luật rất khó về xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mục tiêu của dự án Luật; đồng thời cũng có nhiều vấn đề mới trong nội dung", TS. Nguyễn Lâm Thành cho hay.
Theo TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, thời gian qua, Hội đồng Dân tộc cũng đã tổ chức các hội thảo khoa học như: Hội thảo khoa học về Thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về lĩnh vực dân tộc; Hội thảo xác định nội hàm và việc áp dụng trong hệ thống chính sách, pháp luật một số thuật ngữ khái niệm liên quan vấn đề dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, Hội thảo khoa học “Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc”, được tổ chức nhằm lấy các ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học… vào dự án Luật về lĩnh vực dân tộc, qua đó tạo cơ sở pháp lý để đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình”, Phó Chủ tịch HĐDT Nguyễn Lâm Thành cho hay.
Tại Hội thảo khoa học “Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc” này, nhiều vấn đề được các đại biểu tham dự tham luận, bàn thảo, nổi bật là các tham luận với các nội dung như: Việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc, kết quả đạt được và vấn đề đặt ra; Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng và Hiến pháp 2013 về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, những nội dung cơ bản cần đưa vào dự thảo Luật; Kết quả thể chế hóa quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng và Hiến pháp 2013 về lĩnh vực y tế, những vấn đề cần thể hiện vào dự thảo Luật; Nội hàm khái niệm một số thuật ngữ liên quan về: “Công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi”; Xây dựng dự án Luật dân tộc từ 1993 - 2017, bài học kinh nghiệm và đề xuất xây dựng dự án Luệt trong thời gian tới.
Qua đó, Hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận làm rõ thêm những cơ sở căn cứ đề xuất tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật; về định hướng nội dung của dự thảo Luật.