Tỷ lệ trẻ em Việt Nam hiện chiếm khoảng 25-27% dân số. Theo Cục Y tế dự phòng, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ em cũng tương đương với tỷ lệ mắc trên người lớn, ở mức khoảng 20-25%.
Đáng lưu ý, theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong nhóm trẻ mắc COVID-19 có hội chứng mắc suy đa cơ quan (hội chứng MIS-C) có tới 50% trong tình trạng nặng phải nằm hồi sức và phần lớn các ca bệnh này đều chưa tiêm vaccine.
MIS-C: Bệnh học mới
Phó Giáo sư Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, hiện Việt Nam đã qua đỉnh dịch 3 - 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện.
Thời gian qua, những hoạt động xã hội, đặc biệt trong những tháng hè, đã trở nên nhộn nhịp. Nhiều gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng và tham gia vào các hoạt động hè khiến con dễ mắc COVID-19. Theo ông Điển, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như trẻ có bệnh nền hoặc những bệnh suy giảm miễn dịch.
Phó Giáo sư Trần Minh Điển bày tỏ lo ngại khi trong số 756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu COVID-19 tại bệnh viện, có đến 283 bệnh nhân bị mắc MIS-C, trong số này 50% phải nằm hồi sức. Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm tim phổi nhân tạo (ECMO). Hầu như các trường hợp mắc MIS-C đều chưa tiêm vaccine COVID-19...
Rất may hầu hết các ca bệnh đều được cứu sống. Tuy nhiên, phác đồ điều trị MIS-C rất tốn kém. Chẳng hạn như bệnh nhi phải dùng thuốc đường tĩnh mạch, với trẻ nặng 30-40kg tốn kém tới vài trăm triệu đồng. Như vậy, nếu trẻ mắc COVID-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị.
Theo các chuyên gia, nhiều trẻ mắc COVID-19 trong tình trạng bệnh nặng chủ yếu liên quan đến bệnh mạn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ. Ngay tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay một ngày có khoảng 5-7 trường hợp mắc hội chứng MIS-C.
Hội chứng MIS-C chính là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận… Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
Phó Giáo sư Điển phân tích: “Đây là bệnh học mới xuất hiện khi có COVID-19, được thế giới ghi nhận từ tháng 4/2020. Do vậy y học vừa phải chữa trị, vừa phải nghiên cứu thì mới có thể đưa ra được phác đồ một cách cẩn thận. Hiện nay, đã có phác đồ điều trị hội chứng MIS-C. Nhưng nếu không chẩn đoán được sớm, không phát hiện kịp thời thì rất ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.”
Tiêm vaccine giúp tránh bị MIS-C
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, qua tra cứu các y văn cho thấy tiêm vaccine COVID-19 không những có tác dụng giúp tránh bị MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ bị MIS-C. Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vaccine Pfizer chống lại MIS-C là 91%.
Đặc biệt, với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, khi tiêm vaccine sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi. Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc COVID-19.
Một nhóm yếu thế nữa trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ cũng có thể mắc COVID-19. Thực tế trong gia đình có trẻ sơ sinh mắc COVID-19, phụ huynh rất lo lắng và căng thẳng hơn rất nhiều so với người lớn hoặc người già. Đây chính là những lý do cần bảo vệ cho nhóm chưa được tiêm vaccine này, bằng cách phụ huynh đưa trẻ ở nhóm từ 5 tuổi trở lên đi tiêm vaccine COVID-19 trong thời điểm này để tạo miễn dịch trong gia đình. Vấn đề này rất quan trọng, nếu trong gia đình tất cả đã tiêm vaccine rồi có nghĩa là trẻ sơ sinh cũng an toàn hơn nhiều.
Theo Bộ Y tế, việc chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em nhằm loại trừ biến chứng nặng ảnh hưởng tính mạng; hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm COVID-19 với các bệnh lý khác... Đơn vị này cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em. Hướng dẫn này áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ đa số trẻ nhiễm COVID-19 sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Sau khi khỏi bệnh, một số trẻ có hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính - gọi là hội chứng sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em.
Theo đó, việc chẩn đoán hội chứng sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em khi có đủ 3 tiêu chuẩn: Các triệu chứng xuất hiện sau nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính ≥ 4 tuần; khi trẻ đã khỏi bệnh COVID-19; các triệu chứng này không giải thích được bởi bất kỳ chẩn đoán nào khác.
Cũng tại hướng dẫn, Bộ Y tế nêu rõ hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) đối với trẻ sau mắc COVID-19 khoảng 2-6 tuần khi có dấu hiệu sốt và có tăng các chỉ số viêm (CRP ≥ 5 mg/L, máu lắng, procalcitonin) và tổn thương ≥ 2 cơ quan (da niêm, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh).
Bộ Y tế cũng nêu rõ, chỉ định các xét nghiệm/thăm dò cận lâm sàng tùy theo từng người bệnh, dựa trên các dấu hiệu/triệu chứng lâm sàng ở thời điểm thăm khám và định hướng chẩn đoán/chẩn đoán phân biệt. Mục tiêu chính là loại trừ biến chứng nặng ảnh hưởng tính mạng; hỗ trợ chẩn đoán phân biệt hội chứng sau nhiễm nhiễm COVID-19 với các bệnh lý khác.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ trẻ trong dịch bệnh COVID-19./.
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, các yếu tố nguy cơ sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em:
• Trẻ dư cân, béo phì
• Trẻ lớn > 6 tuổi
• Giới: nữ
• Có bệnh nền, bệnh lý mạn tính
• Tiền sử dị ứng, hen, cơ địa dị ứng
• Điều trị trước đó có thở máy, hồi sức sốc, lọc máu, ECMO, nằm khoa hồi sức cấp cứu.
• Chưa tiêm chủng vaccine COVID-19
• COVID-19 nặng
• Nằm viện kéo dài