Nhiễu loạn thông tin khám hậu Covid-19
Chị Nông Thúy Hiên, 26 tuổi, ở Lạng Sơn cho biết: “Sau khi xét nghiệm âm tính với Covid-19, tôi thấy sức khỏe tốt và đã quay trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, mấy ngày hôm nay, tôi đọc nhiều thông tin về hậu Covid-19 và cảm thấy vô cùng lo lắng. Đồng nghiệp cùng công ty đang rủ tôi đi khám hậu Covid-19, bởi nhiều phòng khám đưa ra chương trình nếu đi khám theo nhóm đông sẽ được hưởng một số ưu đãi hấp dẫn. Có lẽ tôi sẽ sớm đi khám cùng mọi người...”.
Còn chị Hà Thị Trang (35 tuổi), ở Hòa Bình sau khi âm tính cũng gặp những rối loạn mất ngủ, mệt mỏi, ho dai dẳng, hụt hơi và rụng tóc. Sau 1 tháng khỏi bệnh, chị đã nghĩ đến việc đi khám bác sĩ, nhưng càng tìm hiểu thì chị càng thấy mông lung giữa “ma trận” các dịch vụ khám hậu Covid-19 ở các bệnh viện, cơ sở y tế, với mức giá lên đến 10 triệu đồng, từ khám dinh dưỡng, vật lý trị liệu, điện tâm đồ, siêu âm ổ bụng, siêu tim, chụp Xquang phổi, xét nghiệm máu…
“Mình cũng có tìm hiểu về một vài gói khám hậu Covid-19. Cũng muốn khám lắm, nhưng mà tìm hiểu các gói thì giá 2 triệu cũng có, 5 triệu cũng có, khám nhiều thứ lắm. Mà gia đình mình thì cả nhà đều bị Covid-19. Bây giờ nếu đăng ký khám cả thì chi phí cũng hơi lớn đối với khả năng của mình”, chị Trang cho biết thêm.
Xuất phát từ thực tế một bộ phận người dân lo lắng bị hội chứng hậu Covid-19, nhiều phòng khám, trung tâm điều trị hậu Covid-19 đã ra đời, giá cả khá chênh lệch và ở nhiều nơi bị đẩy lên mức cao với hàng loạt dịch vụ. Theo khảo sát của phóng viên, các gói khám của mỗi phòng khám khá đa dạng, giá dịch vụ các gói dao động từ 450.000 đồng đến gần 9 triệu đồng/gói. Đặc biệt, các gói khám VIP, chuyên sâu, nâng cao, đã tiến hành nhiều xét nghiệm không cần thiết.
Khuyến cáo từ chuyên gia
Chia sẻ về việc chăm sóc hậu Covid-19, PGS.TS.BS. Hoàng Thị Phượng, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới, chỉ có 10 - 20% người mắc Covid-19 có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19. Hậu Covid-19 có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng từ khi mắc bệnh và tồn tại kéo dài trên 12 tuần.
PGS.TS.BS. Hoàng Thị Phượng nhấn mạnh, tuy nhiều người gặp phải hội chứng hậu Covid-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc Covid-19 đều đi khám hậu Covid-19, như vậy sẽ rất lãng phí. “Những người phải có triệu chứng của hậu Covid-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu Covid-19”, PGS.TS.BS. Hoàng Thị Phượng khuyến cáo.
PGS.TS.BS. Hoàng Thị Phượng cũng cho biết thêm, trẻ em mắc Covid-19 triệu chứng không nặng. Những trường hợp đã tiêm vắc xin, tỷ lệ triệu chứng nặng giảm mạnh và bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn.
“Mặc dù tỷ lệ rất nhỏ trẻ nhiễm Covid-19 xuất hiện dấu hiệu nặng, nhưng các phụ huynh không nên chủ quan, mà phải quan tâm đến triệu chứng đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C mà uống thuốc hạ sốt 2 lần không hạ thì phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để có sự hỗ trợ. Phải quan tâm đến nhịp thở của trẻ, như: Trẻ dưới 12 tuổi nhịp thở phải trên 30 lần/phút, trẻ vài tháng đến 1 tuổi nhịp thở phải trên 60 lần. Mẹ không biết đếm nhịp thở của con thì nhìn thấy con có cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc thì phải liên hệ với y tế cơ sở để có sự hỗ trợ sớm nhất”, PGS.TS.BS. Hoàng Thị Phượng cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo, không phải tất cả những người bị nhiễm Covid-19 phải đi khám hậu Covid-19. Theo đó, 3 nhóm cần khám hậu Covid-19 là: Nhóm người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa...). Nhóm người từ 60 tuổi trở lên, bởi họ có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát, nhưng sau khi mắc Covid-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn. Nhóm người phải nhập viện khi mắc Covid-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở Oxy trở lên, sốt cao phải nhập viện…).