Sau khi chữa khỏi Covid-19, người bệnh tiếp tục đối mặt với các hội chứng hậu Covid.
Thông tin trên được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế nêu trong tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng ngày 8/1.
Theo đó, trong đợt dịch thứ 4, tính đến ngày 29/12/2021, TP. Hồ Chí Minh có 501.990 người nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đến nay, TP vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Đáng chú ý, ông Thượng cho biết, ngành Y tế TP đã ghi nhận nhiều vấn đề sức khỏe của người dân sau khi mắc Covid-19. "Tại các bệnh viện, người dân TP đến khám chuyên khoa sau mắc Covid-19 không ít. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận rất đa dạng, như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid”.
Trên thực tế, tình trạng người dân gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần hậu Covid-19 đã được các chuyên gia trong nước cảnh báo. Trên thế giới, ghi nhận về triệu chứng hậu Covid-19 cũng vô cùng phức tạp. Với trẻ em, các bệnh viện TP.HCM đã ghi nhận nhiều trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C có thể gây trụy tim mạch và tác động lên nhiều cơ quan. Nhiều người lớn bị lo âu, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, khó thở sau khi khỏi Covid-19.
Trước tình hình trên,TP sẽ tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần thành phố phụ trách. Đồng thời, khôi phục hoạt động điều trị các bệnh thông thường, chủ động phát hiện các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; tăng cường phối hợp đông tây y, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân…
“Những vấn đề sức khỏe hậu Covid cũng được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Ngành y tế thành phố xem đây là vấn đề sức khỏe cần được đặc biệt quan tâm và là một hoạt động trọng tâm trong năm 2022", Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc.
TP. Hồ Chí Minh hiện đã chuyển đổi sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ngày 6/1, số tử vong vì Covid-19 là 20 ca, đạt mức thấp nhất trong 175 ngày qua,
"Với quyết tâm tăng độ bao phủ vắc xin đến người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ, cùng với những tín hiệu lạc quan về thuốc kháng virus Molnupiravir, TP có cơ sở và niềm tin để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", lãnh đạo Sở Y tế chia sẻ.
Tính đến ngày 7/1, TP đang điều trị 5.061 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có 89 trẻ em dưới 16 tuổi, 319 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 6/1 có 391 bệnh nhân nhập viện, 417 bệnh nhân xuất viện.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng xác định triển khai 6 chiến lược y tế trong thời gian tới. Bao gồm: Chiến lược bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đến từng người dân;Chiến lược kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; Chiến lược về công tác chăm sóc và quản lý F0 tại nhà; Chiến lược về công tác thu dung điều trị F0 tại các bệnh viện; Chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch.
Các bác sỹ cho biết một số rối loạn tâm thần hậu Covid-19 hay gặp gồm:
Rối loạn stress sau sang chấn
Rối loạn này xảy ra với những người mắc Covid-19 mức độ nặng, ốm thập tử, nhất sinh, những người có một vài người thân trong gia đình bị tử vong do COVID-19 và những người (nhân viên y tế, người tình nguyện) phải chứng kiến số lượng lớn bệnh nhân tử vong mỗi ngày do Covid-19.
Các triệu chứng của bệnh nhân như hồi tưởng, cảm thấy những chấn thương do Covid-19 đang tái diễn; mất ngủ, khó chịu, tăng cảnh giác và giật mình, hay cáu gắt, khó tập trung chú ý; phản ứng căng thẳng khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 hoặc với những người tử vong do COVID-19.
Điều trị rối loạn stress sau sang chấn cần thời gian điều trị lâu dài, từ 6-18 tháng. Thuốc SSRI có ưu điểm là dung nạp tốt, hiệu quả cao, chỉ cần uống một lần mỗi ngày.
Các thuốc SSRI thường dùng là sertralin, fluvoxamin, paroxetin, fluoxetin.
Rối loạn thích ứng
Rối loạn thích ứng được định nghĩa là do chấn thương tâm lý từ đại dịch COVID - 19 gây ra bao gồm: Rối loạn thích ứng với trầm cảm; rối loạn thích ứng với lo âu.
Các triệu chứng không xuất hiện ngay mà đến từ từ, biểu hiện trầm cảm, lo âu, mất ngủ, chán ăn, sút cân, buồn bã. Các biểu hiện cũng có thể bao gồm hành vi tấn công và lái xe thiếu thận trọng, uống rượu quá mức, không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý, rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ và tự tử.
Các triệu chứng này thường bền vững trong nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động, sinh hoạt của bệnh nhân, khiến chất lượng cuộc sống của họ rất thấp.
Để điều trị rối loạn thích với trầm cảm, cần kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc bình thần hoặc thuốc an thần mới. Thuốc chống trầm cảm hay được sử dụng là sertralin và paroxetin. Hai thuốc này ít tác dụng phụ (chủ yếu là khô mồm, đắng miệng, đầy bụng, uể oải trong tuần đầu dùng thuốc), tác dụng điều trị xuất hiện tốt và bệnh nhân được cải thiện chỉ sau 2 - 3 tuần điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải uống thuốc tối thiểu 6 tháng để có thể khỏi hẳn rối loạn này.
Để điều trị rối loạn thích ứng với lo âu, cần kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần mới. Thuốc chống trầm cảm hay được sử dụng là sertralin và escitalopram. Hai thuốc này ít tác dụng phụ và dung nạp tốt. Tác dụng điều trị xuất hiện sau 4 - 8 tuần điều trị. Để tăng hiệu quả điều trị rối loạn thích ứng với lo âu, người ta phối hợp với một số thuốc an thần mới liều thấp (olanzapin, quetiapin, aripiprazol...). Bệnh nhân cần phải uống thuốc tối thiểu 12 tháng để tránh tái phát rối loạn này.