Đơn cử, tại tỉnh Gia Lai, từ năm 2016 đến nay thường xuyên xảy ra nhiều vụ vỡ nợ quy mô lớn: Tháng 5/2016, cơ sở thu mua nông sản Kỳ Niềm (xã Ia Krái, Ia Grai) vỡ nợ hơn 7,5 tỷ đồng. Tiếp đó là DN Nguyệt Tỉnh (xã Kdang, huyện Đăk Đoa) gần 40 tỷ đồng. Đến tháng 4/2017, DN Sáu Đào (tại xã Ia Glai, huyện Chư Sê) vỡ nợ 50 tỷ đồng. Gần đây nhất, trước Tết Nguyên đán vừa qua, nông dân ở xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa) cũng điêu đứng vì chủ nợ tuyên bố không có tiền, số nợ khoảng 20 tỷ đồng…
Câu hỏi đặt ra là tại sao biết rủi ro nhưng người dân vẫn tìm đến các doanh nghiệp để ký gửi nông sản? Vấn đề mấu chốt chính là ở chỗ, với việc ký gửi theo hình thức này, khi cần tiền người nông dân có thể ứng một phần tiền từ doanh nghiệp bất kỳ lúc nào. Giao dịch ký gửi chỉ kết thúc khi nông dân thông báo chốt giá bán với doanh nghiệp và hai bên cùng nhau tất toán công nợ.
Chính vì sự thiện lợi, nhanh chóng như vậy, nên dù ký gửi, giao toàn bộ tài sản của mình cho doanh nghiệp nhưng các giao dịch của người dân với doanh nghiệp chỉ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau là chính. Cơ sở duy nhất của hình thức giao dịch dân sự này chính là biên nhận ký gửi. Cũng vì thế, giao dịch càng đơn giản bao nhiêu, rủi ro càng lớn bấy nhiêu.
Ngược lại, với đại lý hoặc doanh nghiệp nhận ký gửi nông sản, số lượng nông sản họ nhận vào có giá trị lớn gấp hàng trăm lần số tiền bỏ ra ứng trước. Thực chất đây là hình thức huy động vốn trong dân thông qua nông sản để doanh nghiệp bán lấy tiền sử dụng vào mục đích khác.
Thế nên, lợi dụng lòng tin của người dân, nhiều doanh nghiệp lừa đảo đã sử dụng hình thức ký gửi này để chiếm đoạt tài sản. Một số khác, do sử dụng vốn huy động thua lỗ, không có khả năng chi trả cho nông dân nên dẫn tới phá sản.
Hậu quả là, hàng trăm, hàng nghìn nông dân rơi vào cảnh tay trắng. Đáng nói là, tình trạng này liên tục lặp đi lặp lại từ năm này qua năm nhưng không hiểu vì lý do gì hoạt động ký gửi nông sản tiềm ẩn nhiều rủi ro ngang nhiên diễn ra. Thậm chí, là kẽ hở để các doanh nghiệp lừa đảo hoạt động.
Vậy nên, dường như ngành chức năng đang lúng túng, thiếu một hành lang pháp lý cũng như chế tài quản lý đối với hoạt động tín dụng này dù đã có không ít bài học đắt giá xảy ra với người nông dân suốt nhiều năm qua!
MẠNH HÀ