Tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế
Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, bằng tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên DTTS ở Hòa Bình đã nỗ lực khởi nghiệp và vươn lên làm giàu. Tiêu biểu là anh Giàng A La, dân tộc Mông, sinh năm 1996, tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu.
Năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia được thành lập. Giàng A La là thành viên trẻ tuổi nhất nhưng được tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc HTX khi mới 24 tuổi. Với 2 ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, các thành viên HTX đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với các hoạt động trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc như vẽ sáp ong, giã bánh giầy…
Với riêng gia đình anh La, hiện đang duy trì có hiệu quả mô hình homestay quy mô 13 phòng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 6 người dân với thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng, việc làm thời vụ cho 20 - 30 lao động. Năm 2021, Giàng A La tham gia và đạt giải Vàng cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh” do Dự án Aide et Action phối hợp Tỉnh đoàn Hòa Bình tổ chức.
Còn ở xóm Đúng Thá, xã Thu Phong, huyện Cao Phong, chị Bùi Thị Hải Yến, sinh năm 1987, dân tộc Mường, đã tận dụng điều kiện tự nhiên của địa phương để phát triển mô hình nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao. Từ 50 tổ ong năm 2013, nay chị Yến đã phát triển lên 200 đàn ong, thu được trên 15 nghìn lít mật, bán được gần 300 triệu đồng/năm.
Nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ngày 23/8/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND nhằm tuyên truyền, phổ biến về những nội dung quan trọng tại Quyết định số 897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và cơ chế phối hợp để tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác hỗ trợ thanh niên tỉnh Hòa Bình khởi nghiệp.
Để tăng giá trị kinh tế, chị Yến đã đa dạng hóa các sản phẩm từ mật ong, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; cung cấp ong giống, dạy cách nuôi ong cho người có nhu cầu... Cùng với nuôi ong và chế biến các sản phẩm từ mật ong, gia đình chị Yến còn kết hợp trồng cây ăn quả như nhãn, bưởi.
Anh Giàng A La và chị Bùi Thị Hải Yến là hai trong số hàng trăm thanh niên DTTS tỉnh Hòa Bình đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn tỉnh Hòa Bình có trên 680 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó phần lớn là thanh niên DTTS; gần 400 mô hình thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; tạo việc làm cho gần 1.000 đoàn viên, thanh niên.
Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên trong vùng đồng bào DTTS. Các hoạt động nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp được các cấp, các ngành, địa phương triển khai trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như các chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh HTX tỉnh, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương… tổ chức trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, du lịch.
Cùng với đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, chú trọng tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên, tạo tiền đề quan trọng để phát triển các mô hình khởi nghiệp thành các doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện nay, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nhất là Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, chuỗi sản xuất, các dự án, mô hình; hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu. Đây là nguồn lực rất có ý nghĩa đối với phong trào thúc đẩy khởi sự kinh doanh trong vùng DTTS tỉnh Hòa Bình.