Mới dừng lại ở thoát nghèoGia đình anh Phàn Văn Pèng, sinh 1986, dân tộc Dao, từng là một hộ nghèo nhất nhì thôn Nặm Quăng, xã Quảng Ngần (Vị Xuyên, Hà Giang). Nghèo đến nỗi-khi lấy vợ, Pèng chẳng thể tổ chức được lễ cưới; như chia sẻ của anh là “ưng cái bụng thì về sống với nhau thôi chứ có cưới hỏi gì đâu”.
Không có vốn nên Pèng loay hoay sinh kế cho vợ chồng và hai đứa con. Năm 2010, Pèng có cơ hội “đổi đời” khi được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Vị Xuyên. Có tiền, Pèng mua 1 con trâu cái; vợ chồng cần mẫn khai hoang được gần 1ha, trồng cỏ voi để làm thức ăn cho trâu.
Từ một con trâu cái, gia đình Pèng hiện có đàn trâu 4 con cùng đàn gà và gần 2.000m2 ruộng lúa 2 vụ. Với tài sản này, gia đình Phàn Văn Pèng đã thoát nghèo. Nhưng theo anh, để vươn lên khá giả thì cần thêm thời gian, nhất là vốn. Pèng dự tính, nếu có vốn anh sẽ mua thêm trâu về nuôi theo hướng chăn nuôi trâu nhốt.
Theo thống kê của Huyện đoàn Vị Xuyên, anh Pèng là một trong hơn 2.366 hộ thanh niên trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất. Nhưng do định mức vay ít nên hiện tổng dư nợ nhận ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên huyện Vị Xuyên chỉ mới đạt trên 24 tỷ đồng; vị chi bình quân mỗi hộ thanh niên chỉ được vay khoảng 10 triệu đồng/hộ.
Không chỉ riêng thanh niên mà hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS, sinh sống ở địa bàn khó khăn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo. Nhưng do định mức vay thấp nên rất nhiều gia đình phải chật vật để làm thế nào không tái nghèo, chưa thể tính vươn lên khá giả. Đó là chưa kể, đồng bào DTTS vay vốn thường đầu tư vào nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro, rất dễ dẫn tới tình trạng nợ xấu.
Năm 2013, ông Kơ Să Ha Núi, dân tộc Cơ-ho, thôn Long Lanh, xã Đạ Chais (Lạc Dương, Lâm Đồng) được vay 10 triệu đồng để chăm sóc 5 sào cà phê. Số tiền vay này chỉ đủ để mua một lần phân bón; trong khi để 5 sào cà phê cho chất lượng thì phải bón phân 2-3 lần/năm. Vì thế, cuối năm 2014 ông vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Năm 2015, ông Núi tiếp tục được vay thêm 8 triệu đồng từ chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn để đầu tư vào 5 sào cà phê. Nhưng cũng chẳng khác gì muối bỏ biển. Bởi vậy mà hiện gia đình ông Kơ Să Ha Núi vẫn là hộ nghèo của thôn Long Lanh.
Gia đình anh Pèng, ông Núi là hai trong hàng triệu hộ DTTS đã và đang được tiếp cận vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất. Theo thống kê của Ngân hàng CSXH, tính đến ngày 31/3/2018, cả nước có trên 1,478 triệu hộ đồng bào DTTS đang có dư nợ tín dụng trong toàn hệ thống Ngân hàng CSXH. Tuy nhiên, do định mức thấp nên tổng dư nợ chỉ đạt 43.376 tỷ đồng; dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt hơn 29 triệu đồng/hộ.
Bao nhiêu là đủ?Từ năm 2017 trở về trước, định mức cho vay đối với hộ đồng bào DTTS nghèo để phát triển sản xuất rất thấp. Sau khi có Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, định mức cho vay được nâng lên tối đa 50 triệu đồng, thời hạn cho vay cũng được nâng lên 10 năm (trước đó tối đa là 5 năm). Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì định mức này vẫn là chưa đủ.
Được vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Vị Xuyên (Hà Giang), gia đình anh Nguyễn Văn Thăng, sinh năm 1988, ở xã Việt Lâm, quyết định khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi lợn nái. Nhưng số tiền đó chưa đủ để anh xây dựng chuồng trại và mua lợn giống. Theo tính toán, để làm được thì anh cần số tiền hơn 60 triệu đồng. Tính ra, nếu được vay theo định mức theo Quyết định 2085/QĐ-TTg thì vẫn chưa đủ giúp anh Thăng khởi nghiệp.
Cần phải thay đổi định mức vốn vay tín dụng chính sách đối với hộ DTTS nghèo là quan điểm của nhiều đại biểu tại buổi Tọa đàm “Vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số-Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo miền núi và đồng bằng” vừa được tổ chức mới đây. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trước đây, chúng ta có thể 5 triệu đồng đầu tư một chỗ làm việc, nay 30 triệu đồng chưa chắc đã được. Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chắc chắn việc làm mới không thể đơn giản như vậy.
Vậy định mức cho vay bao nhiêu là đủ để giúp các hộ đồng bào DTTS nghèo thực sự thoát nghèo, vươn lên khá giả? Câu hỏi này không hề dễ có đáp án. Và thực tế, cho vay nhiều hay ít không phải là vấn đề duy nhất cần giải quyết trong việc triển khai chương trình tín dụng chính sách ở vùng DTTS và miền núi.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, liên quan đến hạn chế hiệu quả chính sách cho vay phát triển sản xuất, ngoài định mức thấp còn có sự cứng nhắc trong phương thức lựa chọn đối tượng và phương thức giải ngân. Chúng ta cứ nhằm vào đúng đối tượng hộ nghèo trong khi hộ nghèo liệu có thể phát huy đồng vốn nếu không “cầm tay chỉ việc”?.
“Tới đây, nên chăng không chỉ hộ nghèo mới được vay, mà những hộ có kinh nghiệm làm ăn, dẫn dắt những người nghèo để thoát nghèo, sử dụng đồng vốn có hiệu quả cũng được vay vốn. Tôi cho rằng đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu cần tính toán. Chúng ta chỉ nhằm vào đúng đối tượng hộ nghèo thì chưa chắc đồng vốn đã hiệu quả tối đa”, ông Lịch cho biết.
Thực tế cho thấy, tín dụng chính sách đã trở thành một trong những “cần câu” giúp đồng bào DTTS nghèo “câu được cá”. Tuy nhiên, để “câu được cá lớn” thì chiếc “cần câu” này vẫn còn khá mỏng. Bởi vậy, việc nghiên cứu để xây dựng một chính sách tín dụng hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo cho giai đoạn tiếp theo là hết sức cần thiết.
SỸ HÀO