Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua rà soát, hiện nay, cả nước còn khoảng 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Để góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho hộ nghèo tại vùng DTTS, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, hiện có 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn. Đó là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước còn hơn 153.000 nhà tạm, dột nát ở các mức độ khác nhau; dự tính hỗ trợ các hộ dân với mức 50 triệu đồng/hộ xây mới, 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở thì cả nước cần hơn 6.500 tỷ đồng.
Tại Thanh Hóa, để thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2079/QĐ-UBND về “Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa”. Đề án được thực hiện tại 6 huyện nghèo gồm: Lang Chánh, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Theo Đề án, năm 2023, tỉnh Thanh Hóa thực hiện hỗ trợ khoảng 40% đối tượng; năm 2024 khoảng 30% đối tượng và năm 2025 khoảng 30% đối tượng. Tổng số vốn để thực hiện Đề án là 263,08 tỷ đồng. Nếu đến năm 2025, Thanh Hóa hoàn thành kế hoạch giải ngân hết 100% nguồn vốn ở nội dung hỗ trợ nhà ở thì sẽ có 6.577 hộ nghèo, hộ DTTS khó khăn về nhà ở được an cư trong những ngôi nhà “3 cứng”. Đó không phải là con số nhỏ, tác động rất lớn đến đời sống dân sinh hộ nghèo vùng DTTS.
Còn tại tỉnh An Giang, với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, hộ gia đình tự làm”, những căn nhà mới được xây dựng đã góp phần tạo động lực cho các hộ gia đình đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được an cư, lạc nghiệp, từng bước ổn định cuộc sống.
Qua gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh An Giang đã quy hoạch bố trí tái định cư cho 2.400 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tri Tôn và 1.940 hộ ở 9 xã thuộc thị xã Tịnh Biên với tổng kinh phí hơn 287,2 tỷ đồng. Qua đó đã giúp đồng bào Khmer sinh sống được thuận lợi. Ngoài ra, An Giang đã đầu tư xây dựng 5.420 căn nhà tập trung tại huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên cho hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1.
Còn tại tỉnh Gia Lai, tính lũy kế đến nay toàn tỉnh có 3.425 hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1. Trong đó, mỗi nhà xây mới được ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4 triệu đồng và được vay thêm 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đã có hàng chục ngàn hộ nghèo người DTTS trên cả nước được an cư trong những ngôi nhà “3 cứng”. Tuy nhiên, theo số liệu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện nay, cả nước còn khoảng 400 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Tại Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” (5/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp hãy chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa trong việc chung tay xóa hết nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần “Ai có gì góp nấy, ai có của góp của, ai có công góp công, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít” để mọi người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.