Trong nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong đồng bào DTTS (độ tuổi từ 15 đến 49) cao hơn tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư chung toàn quốc. Còn theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc về tình hình HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, từ năm 2013, HIV/AIDS đã len lỏi đến hầu hết vùng đồng bào DTTS trên cả nước. Có 97% số quận, huyện, 33% số xã, phường trong khu vực báo cáo phát hiện người nhiễm HIV.
Đối chiếu với tỷ lệ đồng bào DTTS nghiện ma túy có thể thấy, địa phương nào có càng đông đồng bào DTTS nghiện ma túy, thì tại địa phương đó số người nhiễm HIV càng nhiều. Cụ thể như, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Nghệ An-4 tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS nhiễm HIV cao, cũng chính là 4 tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS nghiện hút ma túy xếp hàng đầu cả nước.
Trong đó, đa số người nhiễm HIV là do lây nhiễm qua đường tình dục và đường kim tiêm mà chủ yếu là tiêm chích ma túy; tập trung đông ở các dân tộc Thái, Mông, Thổ, Tày, Nùng, Dao. Đáng lo ngại là do thiếu hiểu biết, ngày tháng quanh quẩn ở bản làng, nương rẫy để nuôi những cơn thèm thuốc nên nhiều đồng bào không ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh HIV/AIDS. Chính vì vậy, việc các con nghiện cùng sử dụng bơm kim tiêm thường xảy ra. Chỉ cần 1 người nghiện nhiễm HIV/AIDS thì sự lây lan của bệnh này với những người còn lại là hoàn toàn có thể.
Ngoài nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS trực tiếp qua tiêm chích ma túy, thì việc quan hệ tình dục trong nhóm đối tượng này cũng là một trong những nguy cơ làm lây nhiễm HIV. Ðáng chú ý, hiện nay công tác tư vấn, xét nghiệm HIV đối với đồng bào DTTS còn hạn chế, bởi 22 tỉnh mới chỉ có 129 phòng tư vấn xét nghiệm HIV (5,8 phòng/tỉnh), trong khi đồng bào DTTS sống rải rác và ở các vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế.
Một trong khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác phòng chống HIV/AIDS là các dự án viện trợ từ tổ chức quốc tế đã kết thúc, một số dự án còn lại đang bị giảm kinh phí và sẽ chấm dứt trong 1-2 năm tới. Thêm vào đó, những khó khăn của nền kinh tế trong nước dẫn đến kinh phí phòng, chống HIV/AIDS do Trung ương cấp cho các địa phương cũng bị cắt giảm liên tục trong các năm gần đây, năm sau chỉ bằng 1/3 năm trước.
THIÊN ĐỨC