Chung tay giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống
Có dịp về các xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) hay Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) là những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, chúng tôi nhận thấy hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao nơi đây được đầu tư khang trang. Những công trình văn hóa này còn bổ sung các điểm vui chơi - giải trí, xây dựng môi trường sinh hoạt văn hóa – văn nghệ, thể thao lành mạnh cho đồng bào Khmer, góp phần làm bừng sáng diện mạo các xã nông thôn mới.
Ông Thạch Quyết ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi chia sẻ: Đa số các lễ hội truyền thống, hoạt động sinh hoạt văn hóa của người Khmer đều gắn với ngôi chùa. Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa được đầu tư đến tận các ấp cũng có vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, thúc đẩy các phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở, trong đó việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư hằng năm là minh chứng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa như nghệ thuật truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội…, thời gian qua, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, đời sống ngày càng được nâng cao cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tiếp xúc với sản phẩm văn hóa mới.
Ông Danh Lươl, Người có uy tín trong cộng đồng ấp Ninh Thạnh Đông, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân chia sẻ: Từ khi được Đảng, Nhà nước chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần của chúng tôi ngày càng khởi sắc hơn. Từ đó, nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Khmer đã được phục hồi và phát triển, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của cộng đồng như Tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ hội Sen Dolta, Ooc Om Bok…
Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian qua, Bạc Liêu đã tổ chức trình diễn, tái hiện 2 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer là Tết Chôl Chnăm Thmây và Lễ hội Ooc Om Bok. Hiện, Bạc Liêu là địa phương duy nhất trong khu vực có nhà hát biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khán giả hằng tuần. Những tiết mục biểu diễn với trang phục và các lễ hội truyền thống được cô đọng, dễ hiểu, thu hút rất nhiều khách du lịch đến thưởng thức. Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL còn hỗ trợ kinh phí cho 2 đội văn nghệ của chùa Xiêm Cán mua sắm trang phục và tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ để phục vụ du lịch… Đồng thời, sản xuất ấn phẩm phim tài liệu về bảo tồn các lễ hội truyền thống của dân tộc Hoa và Khmer; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch...
Cùng với việc hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống, tỉnh Bạc Liêu cũng đầu tư, hỗ trợ xây dựng điểm du lịch tiêu biểu vùng DTTS tại các chùa Khmer như chùa Cái Giá Giữa (huyện Vĩnh Lợi); Chùa Kim Cấu (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu)... Bạc Liêu hỗ trợ 850 triệu đồng sửa chữa, tu bổ cho 17 chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Ông Hứa Ngọc Triệu, Phó Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ nay đến hết năm 2025, tỉnh Bạc Liêu sẽ đầu tư hỗ trợ hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao tại 60 ấp thuộc các xã, phường, thị trấn vùng DTTS trong tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện hỗ trợ kinh phí hoạt động 20 triệu đồng/năm cho Trung tâm văn hóa – thể thao xã, 5 triệu đồng/năm với khu văn hóa - thể thao ấp. Việc nâng cấp cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa ở địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân”.
Thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh Bạc Liêu đã phân bổ hơn 17 tỷ đồng cho việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa như nghệ thuật truyền thống, ẩm thực, trang phục, lễ hội… của đồng bào Khmer.