Trợ lực quan trọng
Trong bức thư cuối cùng gửi Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 21/7/1969, Bác mong muốn: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có Nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
Lời Bác dặn quê nhà trước lúc đi xa dường như cũng là sự “gửi gắm” với biết bao thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về một tâm nguyện chưa thành. Chẳng thế mà, trong những năm qua, Nghệ An đã nhận được rất nhiều sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước thông qua những chủ trương, chính sách lớn. Những quyết sách ấy đang thực sự là “đòn bẩy” quan trọng, tạo thế và lực để Nghệ An vững bước, tự tin trên con đường hội nhập và phát triển.
Chỉ tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã đủ để chứng minh cho điều ấy. Cụ thể, năm 2013, Bộ Chính trị đã có hẳn một Nghị quyết dành cho Nghệ An (Nghị quyết 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020). Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên rất nhiều lĩnh vực, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Năm 2021, Quốc hội tiếp tục thông qua và ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Mục tiêu cao nhất mà Trung ương kỳ vọng, vẫn là tạo lực đẩy để Nghệ An bứt phá. Là tỉnh lớn ở vùng Bắc Trung Bộ, có ưu thế về tài nguyên, vị trí địa lí… thì Nghị quyết số 36/2021/QH15 sẽ giúp Nghệ An khai thác tối đa lợi thế, tận dụng thời cơ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định rõ trách nhiệm, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX cũng đã thông qua Nghị quyết, nêu rõ: Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Những nghị quyết trên là kim chỉ nam “soi đường, chỉ lối” để Nghệ An hiện thực hóa “khát vọng sông Lam”.
Thêm những “cơ hội” mới
Những dự án giao thông huyết mạch đã biến tiềm năng thành thế mạnh của Nghệ An. Được coi là huyết mạch của nền kinh tế, các tuyến đường cao tốc, hệ thống giao thông liên tỉnh, nội tỉnh cùng sân bay, cảng biển luôn được Chính phủ và địa phương chú trọng đầu tư, phát triển.
Ngay như cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Nghệ An đang trở thành động lực phát triển kinh tế quan trọng. Theo tinh thần chỉ đạo từ Bộ Giao thông Vận tải, trong 2023, Bộ đang quyết tâm nối thông trục đường cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An. Khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào năm 2024, cao tốc này sẽ kết nối Nghệ An với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp của Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, tuyến cao tốc này sẽ là điều kiện không thể tốt hơn cho việc kết nối các khu kinh tế gắn với các cảng biển tại miền Trung như Nghi Sơn - Cửa Lò - Vũng Áng - Cửa Lò - Hòn La... Điều này sẽ mở ra cơ hội, giúp Nghệ An nâng cao khả năng thu hút đầu tư và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất, dịch vụ, du lịch…
Ngoài cao tốc Bắc - Nam, dự án đường ven biển kết nối giao thông Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa cũng tăng thêm sức hấp dẫn cho miền đất xứ Nghệ. Tuyến đường ven biển hoàn thành sẽ nối các vùng kinh tế trọng điểm phía bắc tỉnh Nghệ An với tỉnh Thanh Hóa và phía nam tỉnh Nghệ An, với tuyến đường ven biển tỉnh Hà Tĩnh thông qua cầu Cửa Hội; kết nối cụm cảng biển Vissai, Cảng nước sâu, Tổng kho xăng dầu DKC tại khu vực xã Nghi Thiết; đồng thời kết nối các khu du lịch của tỉnh Nghệ An, gồm Khu du lịch Cửa Lò, Cửa Hội, Bãi Lữ... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, khi dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đi qua cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) - Nậm On (Xay-chăm-pon) khai thông, sẽ là tuyến đường trọng yếu kết nối giao thương, an ninh quốc phòng giữa Việt Nam với nước bạn Lào, tạo kết nối giao thông thuận lợi, đặc biệt với hệ thống cảng biển Bắc Trung Bộ.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đã được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào ký thỏa thuận đầu tư xây dựng, tiến trình đầu tư ưu tiên trước năm 2030, đang được kỳ vọng là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -' xã hội, dịch vụ du lịch, trao đổi hàng hóa và nâng cao đời sống Nhân dân trong vùng.
Ngoài ra, những tuyến đường nội tỉnh đang được đầu tư nâng cấp mới như Quốc lộ 7A, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 46, Quốc lộ 48… sẽ nâng thêm điều kiện, mở rộng thêm cơ hội để mời gọi đầu tư, để thông thương, kết nối và phát triển cho người dân các vùng, miền.
Hành trình chinh phục "Khát vọng sông Lam"
So với 10 năm trước, Nghệ An đã “lột xác” đầy ngoạn mục. Dấu ấn cho sự nỗ lực của Nghệ An những năm qua, là quy mô tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng (năm 2013 là 73.021 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 155.424 tỷ đồng, năm 2022 dự ước đạt 174.044 tỷ đồng); GRDP bình quân đầu người năm 2013 là 23,74 triệu đồng, đến năm 2021 đạt 45,58 triệu đồng, dự ước năm 2022 đạt 50,8 triệu đồng. Quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 12 cả nước.
Với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, giai đoạn 2014 - 2021 đã thu hút được 1.023 dự án, với số vốn đăng ký 248.930 tỷ đồng. Thu hút vốn FDI có sự chuyển biến rõ nét, với các dự án có quy mô lớn, đến từ các tập đoàn có thương hiệu toàn cầu và năm 2022 lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước... Đến nay, một số lĩnh vực từng bước được định hình là trung tâm của vùng, như y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ...
Trên bản đồ kinh tế, đã có nhiều tên tuổi lớn tìm đến miền đất địa linh xứ Nghệ để đầu tư. Ấy là VSIP, WHA, Hoàng Thịnh, Vingroup, TNR Holdings Vietnam, Ecopark… Sau thành công của VSIP 1 ở Nghệ An, đại diện liên doanh đầu tư khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã quyết định đầu tư thêm khu VSIP 2 ở Nghệ An. Nhờ thế, các dự án đã giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động, trong đó, dự án FDI giải quyết hơn 40.000 lao động.
Nhưng nhìn tổng thể, Nghệ An vẫn đang là một tỉnh chưa khá; mục tiêu trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trên nhiều lĩnh vực chưa đạt được. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đạt thấp, nhất là thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân chung của cả nước.
Nghệ An đang và sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ mà chúng tôi gọi là 5 sẵn sàng. Đó là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ.
Ông Nguyễn Đức Trung Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Làm gì để thoát nghèo? Đó là trăn trở, nỗ lực hành động của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, của giới doanh nhân, doanh nghiệp cùng cộng đồng người dân xứ Nghệ cả trong và ngoài tỉnh.
Trước hiện thực ấy, Nghệ An đang tiếp tục có nhiều giải pháp, biện pháp mang tính đột phá để vừa tận dụng thời cơ, nhưng cũng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để sớm làm nên “kỳ tích sông Lam”.
Theo đó, Nghệ An đang xúc tiến các thủ tục để mở rộng quy hoạch Khu kinh tế Ðông Nam của tỉnh từ 20.776 ha lên 105.850 ha, trong đó, quỹ đất dành cho khu công nghiệp khoảng 15.000 ha; đồng thời, quy hoạch phát triển 10 - 12 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Ðông Nam, với diện tích khoảng 4.759 ha. Gắn với đó là không ngừng đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “một cửa tại chỗ”, “một đầu mối”...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ðức Trung khẳng định: Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường cho các nhà đầu tư; luôn quyết tâm cao, hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.