Bệnh nhân là N.T.D, nam, 39 tuổi ở Phú Yên đến tái khám tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để điều trị hóa chất. Tuy nhiên bệnh nhân lại ho, sốt, tình cờ siêu âm ổ bụng có kết quả phát hiện ra có khối ở gan, được chẩn đoán theo dõi áp xe gan và chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám và điều trị.
Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh bạch cầu cấp đã điều trị hóa chất 5 đợt tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Trước khi ra Hà Nội, bệnh nhân xuất hiện ho đờm đục, đau tức ngực 2 bên khi ho, sốt cơn trong ngày phải vào viện điều trị một tuần. Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân D. cho biết anh có sở thích ăn rau sống, đặc biệt là rau muống được trồng dưới ao, hồ và rau ngổ. Anh rất nghiện món cá ồ nướng ăn với rau muống và món thịt vịt quay hay thịt vịt hấp ăn với rau ngổ sống. Ngay cả khi đang nằm điều trị tại bệnh viện trong Phú Yên, anh vẫn thường xuyên ăn món này.
Tiến sĩ Vũ Minh Điền - Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, qua thăm khám lâm sang, khai thác tiền sử của bệnh nhân và các xét nghiệm ban đầu, hình ảnh chụp phim cộng hưởng từ gan cho thấy bệnh sán lá gan lớn.
Bác sĩ Điền nhấn mạnh, người mắc bệnh sán lá gan thường có triệu chứng đau hạ sườn phải âm ỉ, không đặc hiệu. Người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, đầy bụng và khó tiêu. Rất nhiều trường hợp không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Nhiễm sán lá gan cấp tính có thể gây đau bụng, gan to, buồn nôn, sốt, nổi mề đay, sụt cân… Nếu một người nhiễm sán lá gan lớn mãn tính không được điều trị lâu ngày có thể dẫn đến các biến chứng: viêm đường mật; sỏi mật; viêm túi mật; viêm tụy; xơ đường mật và xơ hóa gan. Để phòng bệnh sán lá gan lớn, người dân không nên ăn sống các loại rau mọc dưới nước như: rau muống, rau ngổ, rau cần, cải xoong, rau rút… Không uống nước lã.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 26 tuổi, đến từ Quảng Ninh, đi khám vì thường xuyên bị ngứa ngoài da. Kết quả xét nghiệm cho thấy nữ bệnh nhân này bị nhiễm 7 loại giun sán (sán lá gan nhỏ, sán lợn, sán dây chó, sán lá phổi, sán máng, giun lươn và giun đũa chó, mèo) vì thói quen ăn rau sống.
Ngoài trường hợp này, tại Bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị nhiễm giun sán do ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.
Ăn rau sống là sở thích của nhiều người bởi sự thơm ngon, lại là giải pháp chống ngán khi mâm cơm có nhiều chất đạm, mỡ. Tuy nhiên, không ít người phải vào viện vì thói quen này.
Theo khuyến cáo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rau sống tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn. Nguyên nhân là do người trồng rau có tập quán dùng nước thải, nước phân tươi tưới rau. Còn người bán ở các chợ đầu mối thì dùng nước bẩn, nước cống phun để giữ rau tươi. Trong khi đó, người sử dụng cũng không chú ý đến việc rửa rau sạch. Các loại ký sinh trùng phổ biến trong rau sống là giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, ký sinh trùng amip…