Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Các huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh như Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà trước đây vẫn thường được gọi là “vùng 5 nhất”: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, kinh tế phát triển chậm nhất, chất lượng nhân lực thấp nhất, thu nhập thấp nhất và có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Nông, lâm nghiệp là sinh kế chính nhưng thiếu tư liệu sản xuất, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trồng trọt, chăn nuôi và tâm lý ngại thay đổi khiến cái nghèo cứ dai dẳng, đeo bám cuộc sống người dân nơi đây. Việc thay đổi tư duy của người dân, đưa KHKT vào sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng để “vực dậy” nền kinh tế của những vùng khó ấy.
Hơn 10 năm trước, ông Lý Văn Diểng, dân tộc Sán Dìu là một trong những cán bộ đầu tiên được tăng cường về thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo tại xã Hà Lâu, một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông Diểng đã từng bước vận động Đảng viên, cán bộ, người dân tại xã Hà Lâu mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi gà, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
“Chúng tôi đã họp cấp ủy và thống nhất đưa mô hình nuôi gà vào để thúc đẩy giảm nghèo. Lúc đó, 2/3 Ban Chấp hành không đồng tình, có những ý kiến cho rằng chăn nuôi gà hay bị dịch bệnh thì còn nghèo nữa. Đó chính là rào cản lớn cần phải vượt qua vào thời điểm bấy giờ”.
Không bỏ cuộc, ông Diểng bền bỉ tuyên truyền cho người dân hiểu và mạnh dạn thực hiện mô hình, giờ đây, xã Hà Lâu từ không có trang trại gà đã trở thành xã đi đầu về nuôi gà cả về quy mô và lượng đàn. Đặc biệt, ông Diểng đã sáng tạo ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống và phát triển gà Tiên Yên, nay trở thành một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của địa phương. Hà Lâu hôm nay đã là xã NTM với thu nhập bình quân đầu người gần 64 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, hiện nay nhiều mô hình kinh tế áp dụng KHKT không ngừng phát triển và được nhân rộng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi như: Mô hình trồng trà hoa vàng, nuôi bò tại huyện Ba Chẽ, mô hình nuôi dê sinh sản tại huyện Bình Liêu và mô hình nuôi lợn nái, gà thương phẩm, trồng mía tím…ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 556 sản phẩm OCOP, trong đó, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 116 sản phẩm (39 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao).
Thay đổi về “chất”
Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng NTM. Đặc biệt, họ là những người luôn gương mẫu đi đầu hiến đất, góp công, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, là tấm gương sáng cho bà con DTTS tin theo.
Bà Chíu Thị Hai - Người có uy tín thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đi đầu trong xây dựng mô hình trồng Thanh long ruột đỏ, Ba Kích Tím, Tre Mai... đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình của gia đình bà Hai, nhiều bà con trong thôn đã đến học hỏi, được bà Hai tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và hỗ trợ cây giống nên đã thành công và thoát nghèo. Đồng thời cũng từ các mô hình này đã tạo việc làm cho các lao động nông nhàn trong thôn. Bà Chíu Thị Hai cho hay:
“Với vai trò là Người có uy tín tôi luôn cố gắng vận động bà con trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế để thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bản thân gia đình cũng mạnh dạn trồng một số cây phù hợp với thổ nhưỡng và cũng đã có được những thành quả nhất định. Có được kinh nghiệm trong thực hiện mô hình, khi bà con đến học hỏi tôi cũng tận tình chia sẻ”.
Nhiều địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên, chung sức xây dựng NTM, từng bước thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Đơn cử như xã Đồng Lâm, xã miền núi biên giới của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 931 hộ với 99% là đồng bào DTTS, sinh sống trên 16 thôn, bản; kinh tế chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp.
Ông Nông Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ðồng Tâm chia sẻ: “Chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được những lợi ích mà chương trình xây dựng NTM đem lại. Và quan trọng vẫn là việc thay đổi tập quán canh tác cũ của người dân, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Việc tuyên truyền, vận động một cách khéo léo cũng với những chính sách, chủ trương trúng và đúng trong việc giảm nghèo cũng là "bệ đỡ" tiếp sức cho người dân thay đổi nhận thức, phát huy ý thức tự lực, tự cường. Trong hơn 10 năm, 500 hộ gia đình, phần lớn là của các hộ người Tày, Nùng, Dao đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tỉnh Quảng Ninh đã gửi đơn xin thoát nghèo, cận nghèo. Những lá đơn ấy phần nào khẳng định sự thay đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.
Anh Đặng Văn Thảo (30 tuổi), dân tộc Dao ở làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ 2 thuộc diện hộ nghèo được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình và sự ủng hộ của bà con đã xây được căn nhà mới hơn 50m2. “An cư lạc nghiệp”, có nhà để ở ổn định, gia đình anh tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Năm 2022, gia đình anh là một trong những hộ có đơn xin thoát nghèo.
"Mặc dù cũng còn nhiều khó khăn nhưng còn nhiều hộ còn khó khăn hơn. Được Nhà nước hỗ trợ gia đình mình cũng đã có nhà ở khang trang, ổn định rồi. Vợ chồng mình còn trẻ, còn sức khỏe nên xin thoát nghèo thôi ", anh Thảo bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Ninh cho biết:“Việc đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động tại các huyện miền núi, biên giới không phải là câu chuyện một sớm, một chiều, nhất là khi đồng bào đã quen với nương rẫy, quen với cách làm nông- lâm nghiệp truyền thống. Nhưng việc tự giác, chủ động xin thoát nghèo, sắp xếp lại cuộc sống của người dân vùng nông thôn và vùng đồng bào DTTS trong thời gian qua là bước tiến quan trọng để nâng về “chất” xây dựng NTM ở Quảng Ninh”.
Chính những cách làm hay, sáng tạo trong quá trình xây dựng NTM và xóa đói giảm nghèo đã góp phần giúp Quảng Ninh gặt hái được những “quả ngọt” đáng tự hào.