Tầm nhìn 2030 của Việt Nam chưa nghĩ đến World Cup
Có một thực tế thế này, trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, tức là cách đây 8 năm, bóng đá Việt Nam chưa dám nghĩ sẽ tranh tài ở vòng chung kết World Cup. Những gì mà chiến lược 2010 - 2020 mà VFF định hướng và được Chính phủ phê duyệt dừng lại ở việc có thể giành chức vô địch AFF Cup, đoạt Huy chương Vàng SEA Games, xây dựng các trung tâm bóng đá quy mô trên cả 3 miền.
Tính đến nay, ở năm 2021, về cơ bản 3 mục tiêu kể trên đã thành hiện thực. Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Sau đó một năm, U22 Việt Nam lần đầu tiên giành tấm huy chương vàng SEA Games trong lịch sử. Các trung tâm bóng đá hiện đại cũng đã được trải rộng trên 3 miền. Ở khu vực phía Bắc, Viettel, Hà Nội FC, PVF đầu tư bài bản. Ở miền Trung, Sông Lam Nghệ An - lò đào tạo trẻ nổi tiếng nhất Việt Nam đang được đại tu với nguồn tiền từ Tập đoàn Tân Long. Một trung tâm khác cũng nổi lên trong 3 năm trở lại đây chính là Học viện bóng đá Juventus tại Vũng Tàu. Ở Tây Nguyên, học viện của HAGL vẫn là nơi khơi nguồn cho giấc mơ bóng đá trẻ của nhiều tài năng cả nước suốt từ năm 2007 cho đến nay.
Tại sao gọi là cơ bản? Bởi lẽ, bóng đá Việt Nam nói chung và đội tuyển Việt Nam nói riêng mới chỉ chạm được đến mục tiêu chứ chưa vượt được chỉ tiêu. Suốt 10 năm qua, số lượng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ dù đã trải ra 3 miền nhưng vẫn còn hạn chế. Chức vô địch ở Đông Nam Á của Việt Nam cũng chỉ mới giành được trong vài năm gần đây, sau suốt hơn nửa thập kỷ làm cái bóng của Thái Lan hay trước đó là Malaysia.
Khép lại chiến lược 2010 - 2020, tầm nhìn của bóng đá Việt Nam hướng tới năm 2030 là gì? Một trong số những trọng tâm của tầm nhìn này chính là bóng đá nam có thể đứng trong nhóm 10 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á. Từ năm 2017 cho đến nay, ĐT Việt Nam có bước thăng tiến vượt bậc trên BXH FIFA. Từ chỗ đứng hạng 130 thế giới vào tháng 10-2017, Việt Nam hiện tại đã ở hạng 92 thế giới, tương đương với hạng 13 châu Á. Với tốc độ tiến bộ như quãng thời gian vừa rồi, cơ hội để đội tuyển Việt Nam chen chân vào top 10 châu Á trong vài năm tới đây là hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay.
Chiến lược mới từ sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo
Như đã nói, chiến lược 2010 – 2020 và tầm nhìn 2030 được phê duyệt cách đây 8 năm. Ở thời điểm đó, bóng đá Việt Nam đang rơi xuống đáy của biểu đồ hình sin trong chu kỳ phát triển. Phải bắt đầu từ năm 2014, sự xuất hiện của HLV Toshiya Miura cùng thành quả ươm mầm thế hệ 1995 - 1997 và sau đó là 1997 - 1999 mới đưa đội tuyển Việt Nam đi theo chiều lên của đồ thị.
Đỉnh cao của bóng đá Việt Nam gắn liền với giai đoạn 2018 - nay. Trong bối cảnh hai thế hệ chủ lực với Công Phượng, Quang Hải, Tuấn Anh, Xuân Trường đạt được độ chín, cộng hưởng thêm khả năng cầm quân và tổ chức xây dựng bóng đá tài tình của HLV Park Hang-seo cùng ekip cộng sự, đội tuyển Việt Nam đã làm nên những chiến tích ấn tượng từ khu vực cho đến châu lục. Mới đây nhất là việc ĐT Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á, vốn dành cho 12 đội ưu tú nhất.
Giấc mơ World Cup vì thế không còn là hão huyền. Chiến lược phát triển bóng đá do VFF trực tiếp xây dựng cũng đã có những thay đổi để khai thác nguồn tài nguyên quý giá của bóng đá Việt Nam hiện nay. Còn nhớ ở Đại hội VFF khoá VIII, mục tiêu mà VFF đề ra chính là giành vé đến World Cup bắt đầu từ năm 2026. Từ Đại hội thường niên 2019, VFF đã báo cáo về Chương trình ĐT Việt Nam hướng đến World Cup 2026. Trong đó, bóng đá Việt Nam sẽ tập trung đầu tư lứa cầu thủ 25 tuổi vào năm 2026. Đó là các cầu thủ sinh trong giai đoạn 2001 - 2002. Theo đó, mục tiêu dành cho thế hệ cầu thủ này sẽ nỗ lực để có mặt tại VCK U23 Châu Á 2024, giành Huy chương Vàng SEA Games 2023, nỗ lực giành quyền thi đấu tại U.20 thế giới 2021, Olympic 2024 và đến World Cup 2026.
Lộ trình World Cup của bóng đá Việt Nam đã rõ ràng hơn. Nó cũng không còn mơ hồ và thậm chí chẳng dám nghĩ đến World Cup như kế hoạch được công bố cách đây 8 năm về trước. Nhưng để biến quyết tâm thành hiện thực, chuyển mục tiêu thành kết quả như VFF kỳ vọng thì bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn sự sẵn sàng thực chất, hơn là hô hào khẩu hiệu trong mỗi cuộc họp. HLV Park Hang-seo.
Ông Park thẳng thắn chỉ ra vấn đề hiện tại của bóng đá Việt Nam, bên cạnh hào nhoáng đến từ những kết quả ấn tượng của các ĐTQG trong thời gian 4 năm trở lại đây: “Bóng đá ở Việt Nam mới đang phát triển và chưa thực sự chuyên nghiệp. Số lượng cầu thủ trẻ được đào tạo đến từ các trung tâm nổi tiếng ở Việt Nam vẫn còn quá ít để lựa chọn ra những cá nhân ưu tú. Muốn có ĐTQG dự World Cup thì tất cả phải đồng lòng, từ VFF đến các đội bóng, truyền thông cũng như người hâm mộ... Cần có thêm nhiều PVF, Viettel ở trên khắp cả nước. Đấy là chưa kể, ĐTQG Việt Nam còn thiếu rất nhiều sự chung tay của các chuyên gia đầu ngành, từ dinh dưỡng, tâm lý, y tế, thể thao…”./.
Lo cho lứa cầu thủ được đặt mục tiêu dự World Cup
Dịch COVID-19 đang trì hoãn sự phát triển của lứa cầu thủ 1999 - 2001. Suốt 2 năm qua, họ không có nhiều cơ hội để được cọ xát đỉnh cao. Những gì mà VFF và HLV Park Hang-seo cố gắng tạo điều kiện mới chỉ dừng lại ở việc tập luyện và thi đấu với “quân xanh” là ĐTQG Việt Nam, trong tổng số 4 trận ở cuối năm 2020 và giữa năm 2021. Hy vọng để lứa U22 Việt Nam tranh tài giải Toulon ở Pháp mùa hè năm ngoái cũng tan thành mây khói khi dịch COVID-19 khiến kế hoạch tổ chức phá sản.
Không có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế, lứa cầu thủ này cũng không nhiều dịp ra sân ở V.League. Đặc biệt là trong mùa giải 2021 này. Tính từ tháng 7/2020 cho đến nay, HLV Park triệu tập 81 cầu thủ cho U22 Việt Nam. 53 trong 81 cầu thủ được đăng ký ở V.League. Nhưng chỉ có đúng 3 trong 53 cái tên này được đá đủ 12 vòng vừa qua ở V.League mà thôi. Thiếu kinh nghiệm chơi bóng từ V.League cho đến cấp độ đội tuyển trẻ quốc gia, xem ra niềm hy vọng vào lứa cầu thủ có thể dự World Cup 2026 cũng còn là dấu hỏi lớn.