Chuyến đi thay đổi cuộc đời
Năm 2011, khi những thanh niên cùng trang lứa chọn con đường học ngành, học nghề, thì chàng trai 20 tuổi quyết định đi dọc đất nước với hai bàn tay trắng. Hải từng làm phụ quán ăn ở Huế, chạy bàn cà phê ở Đà Nẵng, làm ngư dân trên đảo Lý Sơn, hái cà phê ở Đắk Lắk, chạy xe ôm ở Đà Lạt, bán dạo cà phê bệt ở TP. Hồ Chí Minh, làm nghề hóa trang ông già Noel...
Nếu người ngoài nhìn vào, sẽ nhìn chàng trai này như một kẻ điên, bởi “đang yên đang lành” lại xách balo sống những ngày "cơm đường cháo chợ". Kể lại những chuyến đi ấy, Hải không khỏi xúc động: “Trong những năm tháng ấy, tôi học được quá nhiều thứ từ trường đời. Rong rủi trên mọi nẻo đường với chiếc xe máy của mình, tôi đã có những trải nghiệm đáng giá về văn hoá con người mỗi vùng miền mình từng đi qua. Có thể nói, quyết định thời điểm ấy là liều lĩnh, nhưng chưa bao giờ tôi hối hận, tôi trầm trồ trước vẻ đẹp đất nước mình và hạnh phúc trong những lúc khó khăn nhất luôn được những người xa lạ giúp đỡ”.
Có lần, khi còn đang lơ ngơ ở Đà Lạt, Hải bị đói mấy ngày. Rồi anh chọn làm nghề xe ôm để duy trì cuộc sống, điều kiện là khách lên xe phải chỉ đường cho xe ôm, đổi lại họ có thể trả công anh tuỳ ý mình. Có lần chỉ 10, 20 nghìn, Hải tiết kiệm, vào quán hủ tíu quen chỉ gọi bát 5 nghìn không có thịt. Thế mà chị chủ quán tốt bụng lại bí mật “giấu” cho Hải rất nhiều thịt ở dưới.
Như là một thử thách đầu đời của một chàng trai, một năm, Hải đi nhiều và thu lượm được nhiều. Chính vì cứ lọ mọ như thế, Hải khám phá ra những địa điểm du lịch độc đáo mà đến giờ cộng đồng du lịch yêu thích vẫn nhắc tên anh là "Hải ma xó".
“Tôi thấy du lịch nước ta giàu tiềm năng quá, nhưng tôi luôn băn khoăn tại sao người dân vẫn nghèo. Chuyến đi đáng nhớ của thời thanh xuân này, giúp tôi chiêm nghiệm ra một điều, mình cần phải làm gì đó có ảnh hưởng tích cực đến mọi người, dù là cộng đồng nhỏ. Mong muốn ấy lại càng rõ ràng hơn, khi tôi quay lại thăm mảnh đất Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc với thiên nhiên hùng vĩ và văn hoá đặc sắc hiếm nơi nào có được”, Hải kể.
Thế nên, khi trở về Hà Nội, dù có những cơ hội công việc tốt trong ngành truyền thông, giải trí, nhưng cũng không đủ hấp dẫn Hải lâu. Anh vẫn cứ nhung nhớ hương vị của núi rừng Hà Giang, với lòng mến khách của con người nơi đây. Năm 2018, anh quyết định rời phố ngược lên Hà Giang để thực hiện mong muốn của mình, phát triển cộng đồng du lịch địa phương.
Mô hình "Thổ địa du lịch"
Phải lòng với mảnh đất Hà Giang, Hải miệt mài tiếp tục hành nghề xe ôm một năm để học hỏi về cả văn hoá lẫn kỹ năng làm du lịch ở địa phương. Gọi bằng xe ôm là bởi Hải chọn cách làm du lịch độc đáo 1-1 mang tên “Thổ địa du lịch” . Anh cộng tác với các Homestay bản địa và thiết kế những tour du lịch gồm 1 khách và một người bản địa. Người này sẽ đồng hành với khách trong mỗi chuyến đi tới các điểm đến được lên kế hoạch từ trước, cùng khách khám phá, vừa đi đường vừa trò chuyện, thuyết minh về văn hoá, phong tục, tập quán của đồng bào Mông, Dao, La Chí,…
Anh cho rằng, mô hình Homestay tuy hiệu quả, nhưng vẫn chưa thực sự “sâu” khi khách du lịch đến địa phương với tâm thế “cưỡi ngựa xem hoa”. Họ thiếu những câu chuyện, những trải nghiệm cùng chính những người địa phương, những người của chính cộng đồng ấy. Hải nghĩ rằng, muốn làm du lịch nên đầu tư vào con người trước tiên. Thế nên, anh đã chọn những bạn thanh niên DTTS ở các xã, các huyện rồi dạy họ tiếng Anh giao tiếp cơ bản, kỹ năng kể chuyện, thuyết trình, cách làm du lịch để tạo dấu ấn cho du khách,…”.
“Mỗi người dân sẽ là một đại sứ du lịch”, Hải nói. Anh cũng thực hiện những hoạt động cùng cộng đồng như hướng dẫn bà con cải thiện Homestay, làm truyền thông trên những nền tảng mạng như Booking.com, Google Maps, Facebook….
Bàn Văn Chăm, sinh năm 1998, dân tộc Dao được Hải huấn luyện kể chuyện trên đường chia sẻ: "Khi tham gia mô hình du lịch này, mình học được anh Hải ở cách kể chuyện về văn hóa quê hương. Đặc biệt, sau mỗi chuyến đi, mình lại có thêm những người anh chị thân thiết từ mọi miền Tổ quốc. Trước kia, mình chỉ biết lên rừng, đi nương rẫy, nhưng từ khi biết làm du lịch, thu nhập của mình tăng lên từ 5-7 triệu đồng/tháng, giúp trang trải thêm cho gia đình và con nhỏ".
Kết quả là Hải đã đào tạo được 20 thanh niên DTTS theo mô hình “Thổ địa du lịch”. Những tour du lịch như thế mang lại những cảm xúc, trải nghiệm đặc biệt về văn hoá vùng miền cho du khách; cũng như truyền cảm hứng cho đồng bào ở đây tự hào hơn về văn hoá dân tộc mình, và có thể làm giàu từ du lịch trên chính quê hương. Có những ngày, Hải cùng các cộng sự của mình nhận phục vụ đoàn khách 60 -70 người. Đó là những thành công nhỏ khiến Hải tin rằng, con đường đồng hành của mình với đồng bào nơi đây sẽ khởi sắc.
2 năm nay, do ảnh hưởng bỡi dịch bệnh, tình hình khó khăn khi lượng khách du khách giảm mạnh, dù vừa khởi nghiệp mà đã “chết đứng”, nhưng Hải vẫn rất lạc quan, anh đang kết nối những đặc sản địa phương nhằm giúp bà con bán hàng online, đưa những sản vật ngon sạch đến người tiêu dùng.
“Tôi đã trúng bùa yêu Hà Giang rồi. Tôi chọn ở lại và cùng bà con cố gắng. Giống như là tình yêu vậy, khó khăn hay trắc trở không phải là lý do khiến chúng ta dừng lại. Nó chỉ khiến tình yêu bền chặt hơn thôi. Nếu mô hình du lịch "thổ địa" này thành công hơn, tôi sẽ nhân rộng sang các tỉnh khác như Cao Bằng, Bắc Kạn... Mong muốn của tôi là xây dựng những cộng đồng hạnh phúc”, Hải chia sẻ.