Bất kỳ ai có mặt từ những ngày đầu mới tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đều không thể quên những con đường đất lầm bụi đỏ, những đoạn đường đá dăm lồi lõm những ổ gà; trời nắng vẫn phải mặc áo mưa và trời mưa phải mang theo que gỗ để cậy đất bám bánh xe…
4 tuyến quốc lộ: 2B, 2C, 23 và 2 đi qua địa phận tỉnh có tổng chiều dài 109 km thì có tới 99 km mặt đường đá dăm nhựa hư hỏng nặng, 10 km đường đất cấp phối. 5 tuyến tỉnh lộ chiều dài 80 km thì có 50 km là đường đất, 30 km đường được trải nhựa nhưng chất lượng kém.
Đường đi từ thị xã Vĩnh Yên (nay là TP. Vĩnh Yên) đến trung tâm các huyện đều xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 3.000 km đường nông thôn chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, tỷ lệ cứng hóa mặt đường mới đạt 2,6%...
Xác định rõ phát triển hạ tầng giao thông là khâu trọng yếu, quyết định đến sự phát triển KT-XH, Vĩnh Phúc đã ban hành Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 1997 - 2010; Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải đường bộ giai đoạn 2003 - 2010, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển giao thông Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và giai đoạn 2017 - 2020; cơ chế hỗ trợ phát triển giao thông nội đồng giai đoạn 2011 - 2020, tạo ra phong trào cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn rộng khắp ở các huyện, thành, thị.
Với việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và mang tính chiến lược, hệ thống đường giao thông ở Vĩnh Phúc nói chung, giao thông nông thôn khu vực miền núi nói riêng ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, giao thương kinh tế và phục vụ đời sống người dân.
Đẩy mạnh phát động phong trào xây dựng giao thông nông thôn gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế; công khai, minh bạch quy hoạch phát triển giao thông nông thôn, các địa phương còn làm tốt công tác tuyên truyền, huy động sức dân cùng tham gia xây dựng, giám sát việc thi công đường làng, ngõ xóm.
Thấy được lợi ích từ giao thông nông thôn, cùng với thực hiện cơ chế hỗ trợ lên tới 60% đối với xã miền núi, nhân dân các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo… đã tự nguyện đóng góp hàng chục nghìn mét vuông đất và hàng chục tỷ đồng cho xây dựng đường giao thông.
Ngoài cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình giao thông nông thôn, các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở khu vực đặc biệt khó khăn; chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS... đã mang lại hiệu quả và những lợi ích thiết thực cho người dân khu vực nông thôn miền núi, tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Cũng nhờ có cơ chế hỗ trợ này, các xã khó khăn có điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình. Hạ tầng giao thông đồng bộ còn kết nối vùng miền, tạo sự thông suốt để các địa phương miền núi phát huy lợi thế, tạo đột phá thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.
Coi việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là “đòn bẩy” để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, kể từ thời điểm quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH (năm 2010), trong đó điểm nhấn là phát triển hạ tầng giao thông, nhiều địa phương thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa “trắng dự án”, đã hiện hữu vóc dáng mới của một vùng công nghiệp nông thôn.
Ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở vùng đồng bằng, các huyện miền núi: Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch… đều đã có khu, cụm công nghiệp quy mô lớn đang được các nhà đầu tư quan tâm.
Những lợi thế về nguồn lao động dồi dào, quỹ đất rộng, vị trí giao thông thuận lợi và chính quyền địa phương đoàn kết, đồng thuận, cùng với những điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, quan tâm thu hút đầu tư, là 4 yếu tố đáp ứng gần như tuyệt đối để doanh nghiệp lựa chọn "điểm dừng chân" lý tưởng phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có gần 4.200 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 439 km đường huyện, hơn 3.700 km đường trục xã, trục thôn và đường ngõ xóm.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 25 của HĐND tỉnh, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cứng hóa toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; 100% huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua đã khẳng định sức vươn mạnh mẽ của các huyện miền núi trên nhiều lĩnh vực, trong đó những đột phá về phát triển hạ tầng giao thông.
Điều đó đã và đang tạo nên một khí thế mới, động lực mới để người dân thi đua phát triển KT-\XH, góp phần quan trọng đổi thay diện mạo bộ mặt nông nghiệp nông thôn, nhất là nông thôn miền núi./.