Trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, trung bình mỗi năm, Việt Nam đón khoảng 17-18 triệu lượtkhách du lịch quốc tếđến thăm quan, nghỉ mát… Phần lớn các du khách phương Tây đều thích thú những tour trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để khám phá cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của các DTTS ở những bản làng vùng cao.
Nhà báo Đỗ Quang Tuấn Hoàng, phóng viên chuyên trách mảng văn hóa - du lịch của Báo Sài Gòn Giải phóng - khách mời của chương trình “Khám phá những nét văn hóa độc đáo của các đồng bào dân tộc” phát sóng trên kênh VTV3- Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ, nhiều năm làm báo kiêm thêm nghề hướng dẫn viên du lịch, anh nhận thấy khách du lịch phương Tây khi có những sở thích khác người Việt khi đi du lịch vùng cao. Trong khi người Việt thích lui tới những nơi đông vui, ồn ào, náo nhiệt thì khách Tây lại lựa chọn những bản làng xa xôi, yên tĩnh để trải nghiệm. Người Việt rất ngại cuốc bộ, leo núi, còn du khách Tây chỉ thích dạo bộ trên những con đường mòn vắng vẻ, xuyên qua các bản làng, núi đồi. Khách Tây đặc biệt thích thú hướng dẫn viên du lịch là người bản địa dẫn đường (Guide). Nếu Guide biết nói tiếng Anh, lại am hiểu sâu về văn hóa bản địa thì chuyến thăm quan thực sự là một trải nghiệm vô giá đối với họ.
Chính vì vậy, các công ty du lịch lữ hành luôn xác định vai trò cực kỳ quan trọng của Guide. Một tuor du lịch có thành công hay không phụ thuộc vào việc Guide đã thực sự trở thành một “sứ giả văn hóa” hay chưa. Guide được ví như một cuốn “bách khoa toàn thư” về tri thức bản địa để giúp du khách tiếp cận với văn hóa địa phương, những phong tục, tập quán độc đáo, những lớp lang của tầng sâu di sản… Đó mới chính là cái hồn cốt tinh túy nhất mà du khách muốn kiếm tìm, trải nghiệm.