Vượt hơn 80km đường núi, đi mãi không thấy người, với những con dốc dựng đứng dù đi xe máy số 1 vẫn ì ạch mới leo được, những vòng cua tay áo liên tục có lẽ sẽ khiến những người chưa quen thấy rợn người. Giữa núi rừng mênh mông heo hút ấy, có ngôi trường Co Mạ với có 2 điểm trường, nơi 700 học sinh các dân tộc Mông, Thái, Khơ-mú theo học; trong đó có hơn 500 em học bán trú. Nơi đây, có những nhà giáo nặng lòng với miền khó, tình nguyện gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình với học trò.
Hầu hết bố mẹ của những đứa trẻ ở đây đều đi làm xa, nhà em xa nhất cách trường 10 cây số nên phải ở bán trú. Trong trường, khoảng cách giữa dãy nhà công vụ cho giáo viên và chỗ ở bán trú của những đứa trẻ trở nên gần nhau hơn, khi các em được cô giáo chăm chút từ miếng ăn, giấc ngủ. Giữa những ngọn núi ngăn ngắt trong ngày lạnh giá, cô trò càng thương nhau hơn, vì chỉ có họ mới thấu hiểu nỗi cô đơn của lũ trẻ khi xa vòng tay của cha mẹ, đến trường với những ước mơ nhỏ bé, tài sản chẳng có gì ngoài sự thiếu thốn. Bởi thế, những giáo viên ở đây đều tự nhủ với mình, điều họ cần làm phải hơn cả một người thầy.
Hồ Thị Thu Thảo, cô giáo người Văn Chấn, Yên Bái 4 năm trước bước sang tuổi 22, cô quyết định lên điểm trường Po Mậu công tác. Cô tâm sự, khi nhìn thấy lũ trẻ vùng cao, trách nhiệm và sự yêu thương đã trói chân cô lại. Mặc dù, thời điểm nhận công tác, cô Thảo nén lòng khi phải xa con gái 1 tuổi để bà ngoại chăm sóc, cất đi nỗi nhớ nhà và bao hoài bão về sự nghiệp giống như nhiều cô gái hiện đại khác, để đến đây sẻ chia buồn vui với học trò.
Lớp học của cô Hồ Thị Thu Thảo.Giữa bốn bề nhìn đâu cũng là núi, có những giây phút yếu đuối, cô đơn đến cùng cực mà chỉ có người trên đỉnh non mới thấu, các cô giáo tự động viên nhau, dù thế nào cũng không thể bỏ cuộc trên hành trình gieo con chữ cho những cô cậu học trò. Và thế là 4 năm đằng đẵng đợi con lớn, khi con gái được 5 tuổi, cô Thảo đã đón con lên đây để 2 mẹ con được gần nhau. Ngày ngày nhìn con mình cùng các anh chị học sinh lớn lên, động lực “bám” lấy mảnh đất Co Mạ trong cô Thảo ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ngày ngày, cô Thảo và các cô giáo của mái trường chon von trên núi chỉ mong trời bớt giá rét, sương mù mau tan để phòng học đủ ánh sáng cho các con. Có những buổi học, thấy học trò lạnh, thời tiết ẩm ướt cả tuần không thể khô quần áo, cô lấy áo khoác của mình cho em mặc. Những ngày mùa đông, thầy cô thường đốt lửa cùng sưởi ấm với các con những giờ ra chơi. Nhìn ánh mắt long lanh của lũ trẻ bên ánh lửa bập bùng, cái ôm các cô với học trò càng chặt hơn. Không biết tự bao giờ, những đứa trẻ ở đây đã coi thầy cô như cha mẹ, chia sẻ buồn vui ngoài những giờ lên lớp.
Cô giáo Đào Thị Hiền hướng dẫn học trò viết chữ.Ít người biết rằng, ở nơi non cao cũng đang nảy nở những niềm hạnh phúc “nhọc nhằn”. Đó là những mối tình giữa những giáo viên cắm bản, dù ai cũng biết khó khăn chồng chất khó khăn. Đào Thị Hiền là cô giáo Chủ nhiệm lớp 2B của điểm lẻ khác của Trường Tiểu học Co Mạ 1. Điểm trường nằm cách trường trung tâm hơn 1km, vì thiếu lớp nên Ban Giám hiệu đã tổ chức 3 lớp 2 cho các em học sinh học tạm. Ở đây, cô giáo trẻ Hiền tình cờ gặp thầy Phạm Văn Thuyết, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú-Trung học cơ sở Co Mạ. Run rủi thế nào, tình yêu đến với những con người cùng thấm sự gian khó ở nơi heo hút mây mù, đưa họ xích lại gần nhau. Họ vẫn mặc kệ vất vả, ngày ngày nương tựa vào nhau mà sống, để cùng nhau viết tiếp những giấc mơ cho lũ trẻ vùng cao.
Đến thăm cô trò Trường Co Mạ những ngày cuối năm, mới cảm nhận được không khí Xuân đã đến gần khi các thầy cô tất bật chuẩn bị bánh kẹo cho bữa “tiệc” vui Xuân mới của học trò. Trong lớp học, những cánh đào, cánh mai được các cô giáo cắt tỉa đã nở bung trên tường. Ngoài sân trường, nắng lên ấm áp, lá cờ Tổ quốc phấp phới trong gió, những đứa trẻ nghịch ngợm nô đùa, em nào em nấy đều háo hức nói với nhau: sắp đến Tết rồi.
Cô Thảo đang sưởi ấm cùng học trò.Cô Ngô Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Co Mạ chia sẻ, từ những nỗ lực của thầy cô giáo, học trò của trường đã có nhiều tiến bộ, các em chăm chỉ học tập hơn, không còn bỏ học giữa chừng, số em có học lực khá giỏi ngày càng tăng.
Mỗi mùa Xuân đến, các thầy cô đều thầm hạnh phúc khi nhìn những “mầm non” đang ngày một lớn khôn, trưởng thành. Dù trong những niềm vui đón Tết của trẻ nhỏ, những giáo viên như cô Thảo, cô Hiền vẫn chẳng được trọn vẹn khi lo lắng học sinh về nghỉ Tết với gia đình sẽ ham chơi, “ngại” đến trường. Thế nên, ngay sau những ngày nghỉ Tết, không ai phải bảo ai, các cô tranh thủ quay lại trường sớm hơn, tìm đến chúc Tết người già, trưởng bản, các gia đình… để nhóm lại ngọn lửa học tập trong từng gia đình, từng đứa trẻ, phải kiên trì, chăm chỉ thì mới nên người!
Xuân qua rồi Xuân đến, các thầy cô giáo cắm bản vẫn ngày ngày bám trụ để giữ cho tiếng kẻng vào học đều đặn vang lên trên đỉnh non cao, giúp những đứa trẻ lớn lên thành người có ít để thay đổi tương lai cho mình và cho quê hương Co Mạ thêm Xuân.
HỒNG PHÚC