Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VH-TT và DL tỉnh
Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai có rất ít đội cồng chiêng nhí được tập luyện thường xuyên. Hàng năm, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức các cuộc thi, lễ hội từ làng đến tỉnh để lựa chọn các nhân tố tích cực tham gia Festival cồng chiêng Tây Nguyên. Qua quá trình lựa chọn, đội cồng chiêng nhí làng T'Nùng 1 đã thể hiện được tâm huyết, đam mê với văn hóa dân tộc mình.
Đội cồng chiêng nhí làng T'Nùng 1 có 60 thành viên từ 7-11 tuổi, đều là người dân tộc Ba Na. Sau giờ học, các em tập trung về nhà rông để được các nghệ nhân lớn tuổi trong làng dạy đánh cồng chiêng. Em Đinh Lich (11 tuổi) chia sẻ: Em rất mừng khi sắp được cùng các bạn trình diễn cồng chiêng tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là kết quả tập luyện của chúng em trong hơn 2 năm qua. Chúng em sẽ mang tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang của dân tộc Ba Na đến với mọi người để góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Còn em Đinh Thị Lanh (7 tuổi) được mẹ dạy cho biết múa xoang từ năm 5 tuổi. Đây là lần đầu tiên em được tham dự cuộc trình diễn lớn như Festival cồng chiêng Tây Nguyên, em rất vui và mong chờ ngày được trình diễn.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc đó, các thế hệ già làng luôn ý thức được việc truyền dạy, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống của mỗi người Ba Na. Tại xã Ya Ma, huyện Kông Chro, hằng năm các già làng thường tổ chức những buổi giao lưu cồng chiêng giữa các làng, tổ chức các lễ hội để có cơ hội lựa chọn ra những thành viên tích cực phát triển văn hóa cồng chiêng. Già Kup - già làng làng T'Nùng 1 tâm sự: Không chỉ truyền dạy đánh cồng chiêng mà các thế hệ đi trước của làng T'Nùng 1 còn thổi được "lửa" vào hồn của những thế hệ sau. Khi có đam mê, nhiệt huyết chắc chắn văn hóa dân tộc sẽ trường tồn. Dân làng T'Nùng 1 rất tự hào vì vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Thế hệ trẻ của làng T'Nùng sẽ viết tiếp lịch sử văn hóa người Ba Na ngàn đời bằng điệu xoang, tiếng cồng, tiếng chiêng.
THEO BÁO ĐIỆN TỬ GIA LAI