Nghệ nhân H’Phiết Uông ở buôn Yôk Đuôn kể: "Khi đồ gốm hiện đại chưa thịnh hành, nghề gốm ở Yang Tao đã nổi tiếng. Sản phẩm làm ra không chỉ cung cấp cho đồng bào Mnông ở tỉnh Đắk Lắk mà còn được bà con các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung tìm mua. Các vật dụng đồ gốm được làm nhiều nhất là: Nồi, chảo, bát, đĩa, ấm, chén, ché, chum, bình, thau, chậu, lọ hoa, hồ lô... Những nghệ nhân tay nghề cao còn làm được cả những con vật như: Voi, trâu, bò, hổ, báo, rùa, hươu, nai...".
Nét độc đáo của gốm Yang Tao thể hiện ở chỗ được chế tác hoàn toàn thủ công; nguyên liệu (đất sét) và công cụ làm gốm cũng là những thứ có sẵn ở buôn. Đất sét sau khi được lấy về và loại sạch tạp chất, nghệ nhân giã nhuyễn rồi tiến hành chế tác các sản phẩm gốm bằng tay. Người Mnông ở Yang Tao không dùng bàn xoay như những làng gốm khác mà nguyên liệu cố định trên thớt gỗ (được làm bằng một phần thân cây gỗ có chiều cao khoảng 70cm, đường kính chừng 50cm), nghệ nhân di chuyển xung quanh, sử dụng thanh tre vót mỏng, miếng vải ướt và vòng tre để tạo sản phẩm. Chờ cho sản phẩm khô đến độ nhất định, nghệ nhân sử dụng que tre, que củi, lông nhím để vẽ hoa văn, họa tiết trang trí.
Tiếp đó, nghệ nhân sử dụng hòn đá cuội để chà xát lên bề mặt của sản phẩm cho đến khi đạt độ láng bóng. Sau khi sản phẩm được đánh bóng và phơi khô trong bóng râm sẽ tiến hành nung. Quy trình nung gốm cũng rất độc đáo. Các sản phẩm được đặt trên nền đất trống, theo quy tắc vật nhỏ xếp phía trong, vật lớn xếp xung quanh phía ngoài, bên dưới là lớp củi khô. Gốm được nung lộ thiên bằng củi đến khi thấy tất cả cùng đỏ rực là đạt độ chín. Tiếp đó, sử dụng vỏ trấu hoặc mùn cưa để hun, tạo màu đen bóng tự nhiên cho gốm Yang Tao.
Những năm gần đây, khi đồ gốm sứ sản xuất công nghiệp ngày một tinh xảo, giá thành lại thấp khiến sản phẩm gốm Yang Tao khó tiêu thụ. Người biết làm gốm ở Yang Tao cũng vì thế ngày một vắng bóng. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyên, Bí thư Đảng ủy xã Yang Tao trăn trở: "Bây giờ nghệ nhân biết làm gốm ở Yang Tao chỉ còn 6 người (5 nữ, 1 nam), hầu hết là người già và trung niên. Thanh niên thì không thiết tha học nghề này vì thu nhập thấp. Xã đã quy hoạch đất và mời các doanh nghiệp đầu tư phát triển làng nghề truyền thống, nhưng chưa tìm được nhà đầu tư nào thực sự tâm huyết với lĩnh vực bảo tồn văn hóa".
Được biết, tại các Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, sản phẩm gốm của các nghệ nhân xã Yang Tao tham gia trưng bày thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Năm 2018, khi trưng bày tại Festival gốm Thanh Hà - Hội An, gốm Yang Tao được Ban Tổ chức đánh giá cao. Những năm qua, các nghệ nhân xã Yang Tao đã trao tặng nhiều sản phẩm cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày. Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắc năm 2021, nghệ nhân xã Yang Tao được Ban Tổ chức đặt chế tác 200 con voi bằng gốm dành tặng đại biểu, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào Mnông.
Nghề gốm ở Yang Tao mai một là thực tế khó tránh khỏi trong nhịp sống hiện đại. Làm thế nào để bảo tồn làng gốm cổ Yang Tao, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mnông là câu hỏi đang đặt ra đối với chính quyền, cơ quan nghiên cứu, bảo tồn văn hóa của huyện Lắk và tỉnh Đắk Lắk.