Và, nguyên nhân của sự tận diệt này được đổ hết lên đầu ngư dân. Nào là, vì lợi ích trước mắt, bà con ngư dân đa phần sử dụng các phương pháp khai thác có tính hủy diệt như: dùng xung điện, đánh bắt bằng các ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, khai thác sai vùng, khai thác vào các vùng sinh trưởng của cá con…
Rồi đến sự so sánh: ở nước ngoài, trong khu vực gần bờ, cá nhỏ thì họ dùng lưới nhỏ, tuyến khơi cá to thì dùng lưới to. Còn ta cùng một loại lưới cứ kéo hết cả tôm lẫn cá.
Tất nhiên, những lý lẽ nêu trên đều không sai. Nhưng tại sao chỉ nhìn thấy thủ phạm gây ra sự biến mất của 83 loài
hải sản là ngư dân mà không nhận ra nhiều nguyên nhân khác cũng nguy hiểm không kém.
Ai cũng biết, để hạn chế đánh bắt gần bờ, dẫn tới tận diệt nguồn hải sản thì phải phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Nhưng muốn vươn khơi thì không thể dùng tàu gỗ, công suất nhỏ mà phải là tàu sắt, công suất lớn.
Không phải ngư dân nào cũng có đủ tiền để đóng tàu đánh bắt xa bờ. Bởi vậy, chủ trương cho vay vốn để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi xa là một chủ trương rất đúng. Nhưng việc thực hiện, từ vay vốn, giải ngân, cho đến đóng tàu... đang cho thấy có quá nhiều vướng mắc.
Ai hay, hàng loạt các địa phương ven biển đang đau đầu vì nhiều con tàu thép từ vốn vay ngân hàng đang nằm bờ, không thể vươn khơi chỉ vì liên quan đến… tiền!
Ở Quảng Nam, chủ 13 tàu sắt đóng theo Nghị định 67 đang ở vào tình trạng nằm bờ suốt nhiều tháng do ngư dân “không có khả năng trả nợ”. Ở Khánh Hòa, 11 ngư dân vừa viết đơn kêu cứu khi kỳ thanh toán nợ có khi lên tới 330 triệu đồng. Ở Bình Định, 41 chủ tàu bị nợ quá hạn gốc và lãi ngân hàng...
Rõ ràng, tình trạng các loài hải sản ven bờ tiếp tục biến mất là điều chắc chắn nếu sự nhùng nhằng quanh những con tàu khơi xa không thể giải quyết dứt điểm. Trước đây, để giữ rừng, người đứng đầu Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng. Có lẽ, giờ biển bạc cũng cần một động thái khẩn cấp như vậy.
SỸ HÀO