Các chuyên gia WB phân tích, sự chênh lệch về giáo dục vẫn tồn tại, đẩy người nghèo và cận nghèo vào các công việc kiếm ít tiền từ thời điểm họ bước vào thị trường lao động. Tỷ lệ nhập học của trẻ em ở các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập đáy thấp hơn tỷ lệ trẻ em ở các hộ gia đình thuộc nhóm giàu ở tất cả các bậc học. Sự chênh lệch này càng mở rộng cho đến cuối bậc THCS, khi đó 1/3 trẻ em từ các hộ gia đình ở nhóm đáy đã bỏ học. Những chênh lệch tương tự đối với trẻ em DTTS. Nhìn chung, học sinh từ các hộ gia đình nghèo có nhiều khả năng bỏ học. Những khác biệt này tạo ra sự chênh lệch về trình độ học vấn, làm chậm sự dịch chuyển xã hội giữa các thế hệ và làm gia tăng bất bình đẳng.
Nghiên cứu cũng cho thấy, trong cùng một trường học, học sinh xuất thân khác nhau đều được hưởng sự bình đẳng từ sự gia tăng chất lượng trường học. Nhưng có sự khác biệt về chất lượng trường học giữa các cộng đồng nghèo và không nghèo, bởi người nghèo thường sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nên chất lượng trường học không bằng các trường học ở vùng đô thị, đây là một trong những nhân tố có xu hướng tạo ra sự chênh lệch về trình độ học vấn.
Tình trạng kinh tế-xã hội của hộ gia đình cũng góp phần vào chênh lệch trong giáo dục. Các hộ gia đình trong nhóm có thu nhập cao chi tiêu vào học thêm và hỗ trợ học tập cho mỗi học sinh nhiều hơn các hộ gia đình ở nhóm dưới là 6,5 lần. Người Kinh và người Hoa chi tiêu cho mỗi học sinh nhiều hơn khoảng 3,5 lần so với các hộ gia đình DTTS khác.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: Xóa nghèo cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng chung là hai mục tiêu của WB nhằm hỗ trợ các quốc gia. Với Việt Nam, WB khuyến nghị: Ngoài việc nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương mà không giảm khả năng cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi mô hình sử dụng đất nông nghiệp, tăng cường quyền sử dụng đất và nâng cao kỹ năng cho nông dân nghèo… thì Việt Nam cần thực hiện cải cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động.
Ưu tiên hàng đầu là giúp những người nghèo còn lại chuyển sang các công việc có thu nhập cao hơn, chủ yếu là những việc có lương chính thức và cây trồng phi truyền thống trong nông nghiệp. Các công việc tốt nhất ở Việt Nam đòi hỏi trình độ sau phổ thông nên người nghèo bị ảnh hưởng bởi trình độ học vấn thấp. Hầu hết đều tham gia vào thị trường lao động với trình độ trung học và chỉ có 6% trình độ đại học. Nhưng tiền lương cho trình độ trung học, thậm chí là trung học phổ thông thấp.
Theo Tiến sĩ Obert Pimhidzai, chuyên gia Kinh tế Cao cấp, Nhóm Toàn cầu về nghèo và công bằng WB, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về chất lượng giáo dục. Cải cách chương trình và thời gian học tập là cần thiết để thu hẹp khoảng cách này. Trẻ em ở các xã xa trung tâm huyện có tỷ lệ bỏ học ở bậc trung học cao hơn, điều đó chỉ ra những khó khăn trong tiếp cận với giáo dục sau trung học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Cần mở rộng tiếp cận với giáo dục chất lượng cao, đặc biệt ở các vùng nghèo và chưa đủ cơ sở giáo dục, là việc rất quan trọng không chỉ đối với phát triển kỹ năng, mà còn để giảm bất bình đẳng hiện có trong tiếp cận cơ hội giữa người nghèo và người không nghèo. Cùng với đó, Việt Nam cần đổi mới thời gian học ở trường học để tăng giờ giảng dạy. Bởi việc dạy kèm và sự chênh lệch giữa chất lượng các trường học ở các cộng đồng nghèo và không nghèo giải thích sự khác biệt về thành tích học tập ở cấp THCS, điều này quyết định việc có tiếp tục học tiếp sau trung học hay không.
Có thể thấy, giảng dạy không đủ đặt trẻ em nghèo vào thế bất lợi. Việc này có thể được giải quyết bằng cách tăng giờ giảng dạy trong trường học. Rà soát chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm, giảng dạy và kiểm tra nên tập trung nhiều hơn vào việc phát triển khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phê phán và kỹ năng mà các nhà tuyển dụng cho là thiếu ở Việt Nam.
HƯƠNG TRÀ