Chương trình mục tiêu quốc gia làm động lực
Toàn tỉnh Quảng Trị có 44 xã miền núi và 28 xã có đồng bào DTTS sinh sống, với 16.000 hộ. Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị liên tục giảm. Tính từ giai đoạn 2016-2020, số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm trung bình 6%/năm (từ 69% xuống còn 39%). Áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều, số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị có tăng, nhưng số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người/tháng của hộ nghèo đã tăng lên mạnh mẽ.
Từ chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về giảm nghèo bền vững, tạo một động lực mạnh mẽ làm cho tiến độ giảm nghèo ở Quảng Trị bứt phá. Chỉ tính trong năm 2022, tổng nguồn kinh phí huy động thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững là 706.425 triệu đồng.Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương là 180.710 triệu đồng, vốn đối ứng của tỉnh 31.944 triệu đồng, ngân sách địa phương thực hiện các chính sách giảm nghèo là 89.741 triệu đồng; vốn tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) bổ sung là 384.000 triệu đồng; vốn huy động qua quỹ vì người nghèo 23.030 triệu đồng.
Đặc biệt, đã có nhiều chương trình, chính sách dành riêng cho vùng đồng bào DTTS như, hỗ trợ cây con giống; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế điểm…;
Cùng với nhiều nhóm dự án: đầu tư cơ sở hạ tầng tại huyện Đakrông; Phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ lao động nghèo, cận nghèo, lao động người đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…. được thực hiện. Tất cả đã tạo ra một động lực mạnh mẽ, làm bàn đạp cho đồng bào thoát nghèo bền vững.
Từ chính sách hỗ trợ thoát nghèo, nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình trong đồng bào DTTS cũng được hình thành phát triển, mang lại hiệu quả cao giúp đồng bào thoát nghèo bền vững. Đơn cử mô hình kinh tế hộ gia đình của anh Hồ Văn Nhứt (dân tộc Bru- Vân Kiều) ở thôn A Dơi, xã A Dơi huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Với 2 ha sắn, 3 ha cao su, trồng lúa nước, nuôi bò và dê…hiện nay mỗi năm gia đình anh Nhứt có thu nhập trên 150 triệu đồng. Từ hộ nghèo, gia đình anh Nhứt đã vươn lên trở thành 1 điển hình phát triển kinh tế trong cộng đồng người Bru- Vân Kiều ở xã A Dơi. Ở Quảng Trị, có hàng trăm, hàng nghìn hộ gia đình đồng bào DTTS đã vươn từ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của gia đình, trong đó không ít hộ trở thành hộ giàu trong những năm gần đây.
Còn tại Quảng Bình, đồng bào DTTS sinh sống tập trung dọc sườn Đông dãy Trường Sơn. Đồng bào định cư theo cộng đồng ở 102 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, với 6.417 hộ, 27.004 người. Trong đó, Bru Vân Kiều và người Chứt là hai DTTS có số dân đông nhất, với hơn 26.000 người.
Tính đến nay, vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Bình có hơn 750 hộ làm ăn khá, giỏi (tăng 10% so với năm 2014), trong đó có 540 hộ có thu nhập trên 30 triệu đồng/hộ/năm, 220 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/hộ/năm. Cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đã thực hiện “trăm phương ngàn kế” để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính bản làng của mình.
Đa dạng cách làm để đồng bào thoát nghèo
Để tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm nhanh và bền vững, các địa phương ở miền Trung đã đa dạng phương thức để đồng bào thoát nghèo. Trong đó xác định, công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, nâng cao tự lực tự cường phải đi trước một bước, cùng với đó là sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ, đảng viên và của những hộ biết làm kinh tế hiệu quả trước chia sẻ cho người muốn học...
Điển hình như mô hình cử đảng viên theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo ở xã A Roàng (huyện A Lưới, Thừa Thiên- Huế). Đảng viên đã được cử xuống tận hộ gia đình, ngoài theo dõi, đảng viên, còn hiến kế để hộ nghèo xây dựng mô hình kinh tế. Trải qua 10 năm thực hiện, A Roàng trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cán bộ ở cơ sở trong việc lãnh chỉ đạo công tác giảm nghèo đã được triển khai ở nhiều tỉnh trong khu vực miền Trung, trong đó, phải kể đến 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà và xã Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Cán bộ làm công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS không kiêm nhiệm, dành toàn bộ thời gian tâm huyết, để cùng đồng bào nỗ lực lao động sản xuất giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở xã có đông đồng bào DTTS Vĩnh Ô đạt 26 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm sâu còn 8,7%
Việc tạo ra các mô hình kinh tế để đồng bào học tập, không phải là mới, nhưng tạo ra mô hình kinh tế nuôi con sản vật của địa phương trở thành đặc sản cũng là cách làm hay để đồng bào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử, mô hình nuôi bò vàng ở A Lưới đã trở thành thương hiệu, sản phẩm OCOP, giúp nhiều hộ đồng bào không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Hay như mô hình nuôi gà đen của người Mông, lợn bản của người Thái ở Nghệ An…
Gần đây, một số bản vùng đồng bào DTTS triển khai thêm mô hình du lịch cộng đồng, đó là một hướng đi mới trong việc xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, nó còn góp phần bảo tồn văn hóa, nâng cao nhận thức và thúc đẩy quá trình giao thương trong vùng đồng bào DTTS. Do vậy, các địa phương cũng cần triển khai xây dựng ở những nơi hội tụ đủ điều kiện.
Giảm nghèo, trong đó giảm nghèo vùng đồng bào DTTS được xác định là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Mỗi địa phương, mỗi gia đình vùng đồng bào DTTS cần phải quyết tâm hơn nữa, cần phải đa dạng cách phát triển kinh tế để chiến thắng “giặc nghèo”.