Nghệ An chốt thời gian giải quyết các vướng mắc, tồn tại ở các dự án thủy điện trước khi xóa bỏ cấp huyện - Trong ảnh: Dự án thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương DươngDùng dằng...
Thủy điện Bản Vẽ nằm ở huyện Tương Dương có lẽ là cái tên được nhắc đến đầu tiên khi đề cập đến những vấn đề còn vướng mắc của các dự án thủy điện tại Nghệ An. Kể từ ngày đi vào vận hành tháng 4 và tháng 5/2010, liên quan đến dự án này có nhiều vấn đề tồn đọng về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Cụ thể, người dân khu vực bị ảnh hưởng đề nghị được hỗ trợ phát sinh ngoài quy định của dự án và hỗ trợ khắc phục lũ lụt năm 2018; xử lý đất trên cốt ngập của lòng hồ; bàn giao mặt bằng công trường sau khi các nhà thầu đã rút đi; lập hồ sơ bồi thường chênh lệch về đất giữa nơi đi, nơi đến đối với phần dưới cốt ngập tại các bản cũ khu vực lòng hồ; và công tác bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ thuộc diện tái định cư tập trung tại Thanh Chương; lập hồ sơ bồi thường về đất tại bản Con Phen (xã Hữu Khuông); Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định cư bản Cà Moong (xã Lượng Minh)...
Bí thư Huyện ủy Tương Dương, ông Lê Văn Lương cho biết: Các tồn tại, vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án thủy điện đã kéo dài nhiều năm qua, với nhiều nhóm vấn đề vướng mắc khác nhau. Việc kéo dài những tồn tại đang ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, do đó, huyện sẽ đôn đốc triển khai kịp thời, trách nhiệm.
Rồi cũng là lời ông Lương nhấn mạnh: Những việc không vướng nữa thì làm ngay, có thể đề xuất cấp trên ưu tiên cơ chế đặc thù để xử lí nhanh gọn. Còn những việc không thể hoàn thành theo đúng tiến độ trước khi bỏ cấp huyện các hồ sơ cũng phải chặt chẽ, đầy đủ để sau đó bàn giao cho chính quyền mới xử lý tiếp.
Kiểm đếm, đôn đốc xử lý các tồn tại, vướng mắc ở các dự án thủy điện đang được tỉnh Nghệ An quan tâm xử lý - Trong ảnh: Kiểm tra các điểm tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương - Ảnh: T.HuyềnVề nguồn vốn thực hiện, ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Bản Vẽ, là chủ đầu tư dự án cho hay: Đã bố trí 51 tỷ đồng để hỗ trợ tái định cư bổ sung, trong đó, mức chi trên địa bàn huyện Tương Dương là 30,6 tỷ đồng và huyện Thanh Chương là 20 tỷ đồng để thực hiện. Công ty Cổ phần Thủy điện Bản Vẽ sẽ tiếp tục làm việc với 2 huyện để thống nhất một số nội dung cũng như đôn đốc triển khai.
Cũng tại huyện Tương Dương, Dự án Thủy điện Khe Bố đang còn tồn tại một số vướng mắc. Sau khi tích nước lòng hồ, thì còn có 398 thửa đất của 398 hộ bị ảnh hưởng ngập một phần diện tích cần được chỉnh lý hồ sơ đất đai. Công tác quyết toán chi phí hợp phần bồi thường, di dân tái định cư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa được thực hiện.
Còn đối với Dự án Thủy điện Hủa Na, công trình được thực hiện từ năm 2008. Đây là dự án di dân theo hình thức di vén và xen canh tại chỗ thuộc các xã Thông Thụ, Đồng Văn và Tiền Phong của huyện Quế Phong.
Tuy nhiên, Dự án này vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến xử lý chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến. Cụ thể, còn còn 251 hộ chưa phê duyệt phương án đối trừ, trong đó đất ở là 41 hộ và đất nông nghiệp 210 hộ. Bên cạnh đó, việc giao đất, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp một số khu vực còn tồn tại, như: còn 46/89 hộ dân chưa nhận ruộng dự án, còn 77 hộ/879 hộ tái định cư chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp...
Khu tái định cư bản Chóng, xã Yên Na, huyện Tương Dương - nơi người dân đã vào ở từ năm 2018 nhưng đến nay trong tình trạng không điện, không nước sạch - ảnh: CSCCKhông thể chần chừ thêm
Việc việc xử lý tồn tại ở các dự án thủy điện ở tỉnh Nghệ An là vấn đề cấp bách, không thể chần chừ thêm.
Hiện tại, phương án bàn giao mặt bằng công trường Dự án Thủy điện Bản Vẽ đang xin ý kiến sở, ngành liên quan trước khi có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về phương án xử lý trong tháng 05/2025. Phía Công ty Thủy điện Bản Vẽ đang phối hợp với UBND huyện Tương Dương hoàn thành phương án xử lý đối với phần diện tích bàn giao mặt bằng công trường đang vướng mắc; đồng thời bố trí kinh phí, thu dọn hoàn trả mặt bằng cho địa phương quản lý sau khi phương án xử lý được phê duyệt.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định cư bản Cà Moong (xã Lượng Minh), vướng mắc trong việc xác nhận quyền thừa kế để thực hiện kê khai; theo kế hoạch trong tháng 5/2025, UBND huyện Tương Dương phối hợp hoàn thành các phương án xử lý, cũng như phối hợp với chủ đầu tư bố trí kinh phí thực hiện, để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Về bồi thường chênh lệch về đất tại các khu tái định cư, UBND huyện Tương Dương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn đối với việc xác định thời điểm áp giá đất để tính chênh lệch và hoàn thành trong tháng 4/2025. Ban hành giá đất cụ thể để áp giá và lập hồ sơ bồi thường chênh lệch nơi đi, nơi đến cho các hộ dân trong tháng 05/2025.
Dự án Thủy điện Hủa Na huyện Quế Phong cũng là cái tên được “điểm mặt” khi vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc - Trong ảnh: Nhà máy thủy điện Hủa NaĐối với công tác bồi thường giá trị chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho các hộ thuộc diện tái định cư tập trung tại huyện Thanh Chương, Tổ công tác đã giao Công ty Thủy điện Bản Vẽ chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Tương Dương, Thanh Chương thực hiện.
Các phương án xử lý đối với các dự án thủy điện Khe Bố, Hủa Na cũng được phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, sở, ngành liên quan trên tinh thần đảm bảo đủ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân vùng ảnh hưởng.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, ông Phạm Văn Hóa trao đổi: Các địa phương liên quan, chủ đầu tư của các dự án thuỷ điện liên quan cần phải chốt mốc thời gian giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc, không chờ văn bản chỉ đạo của tỉnh và phải thực hiện xong trước khi cấp huyện chấm dứt hoạt động vào ngày 01/7/2025.
Giải quyết tồn tại, vướng mắc tại các dự án thủy điện ở Nghệ An là việc cần kíp trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề này không thể kéo dài thêm, không thể chần chừ thêm; bởi nếu tiếp diễn sự lừng khừng thì khi đã xóa bỏ cấp huyện chưa biết đến lúc nào sự việc mới được giải quyết thỏa đáng; điều quan trọng hơn là còn thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm với cuộc sống của người dân vùng bị ảnh hưởng.