Những con số đáng lo…
Năm 2022, tại các bản Khe Búng, Tân Hòa, Tân Sơn, Bắc Sơn thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) có 8 trường hợp tảo hôn. Đáng chú ý, có đến 3 cặp tảo hôn khi cả vợ và chồng đều chưa đủ tuổi kết hôn. Theo thống kê của Phòng Dân tộc, UBND huyện Con Cuông, từ năm 2020-2022, tại huyện có 27 cặp tảo hôn, trong đó, nhiều nhất vẫn là xã Môn Sơn 14 cặp, xã Châu Khê 7 cặp, Bồng Khê 5 cặp…
Ông Lương Viết Tùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông cho biết: Đây là thực tế đáng lo và cũng rất khó giải quyết, bởi khi phát hiện ra thì “sự đã rồi”. Còn trước đó, các cháu tự tìm hiểu, rồi nhiều gia đình tổ chức đám cưới thì chính quyền mới biết.
Huyện Kỳ Sơn cũng là địa bàn diễn ra tình trạng tảo hôn khá phổ biến. Theo số liệu thống kê, năm 2021 tại huyện có 104 cặp vợ chồng tảo hôn; tảo hôn một phía (tức vợ, hoặc chồng chưa đủ tuổi thành niên) là 70 người. Đến năm 2022, số cặp vợ chồng tảo hôn tăng lên 138 cặp; tảo hôn một phía là 82 người. Cá biệt, có 2 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu trong vùng đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái. Cá biệt, có những cặp hôn nhân cận huyết thống là người Mông, Đan Lai; và vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học để kết hôn. Xin được dẫn chứng những số liệu đáng buồn: Tình trạng tảo hôn năm 2022 là 287 cặp và 2 cặp hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, so với năm 2021, số cặp tảo hôn cả vợ, cả chồng, một người vẫn còn cao như huyện: Kỳ Sơn 138 cặp vợ chồng, 82 người là (1 người)…
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến thực tế này, cơ quan chức năng, đoàn thể tỉnh Nghệ An cho rằng, là do ảnh hưởng từ những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các gia đình ép con lấy vợ, lấy chồng khi đang độ tuổi thanh thiếu niên (từ 15 - 16 tuổi) để phụ giúp gia đình và thêm lao động làm nương rẫy, lo cuộc sống hàng ngày…
Bên cạnh đó, còn có sự tác động của mạng xã hội mang nội dung xấu, sự du nhập của văn hóa ngoại lai đã ảnh hưởng trực tiếp đến lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học lấy chồng.
Đồng bào DTTS ở Nghệ An có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, với 47 DTTS cùng sinh sống xen kẽ ở 12 huyện, thị xã. Nơi sinh sống của đồng bào DTTS trải dài trên diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% toàn tỉnh. Đây là vùng có 27 xã biên giới thuộc của 6 huyện là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Quế Phong.
Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp… dẫn đến hiệu quả không cao. Sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc thiếu kiên quyết; các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS; các bậc làm cha, làm mẹ chưa quan tâm đúng mức, nhiều gia đình buông lỏng trong quản lý con cái…
Cơ hội từ nguồn lực chương trình MTQG
Lâu nay, công tác tuyên truyền, vận động, có các giải pháp ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất được tỉnh Nghệ An quan tâm. Bằng chứng là, năm 2022 vừa qua, tỉnh tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015,về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015-2025”. Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng đã Ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 6/5/2021 và kiện toàn lại Ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh và sự quan tâm triển khai thực hiện của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách để tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS ngày càng có nhiều chuyển biến.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã cấp nguồn kinh phí để tổ chức mở các lớp tập huấn, tuyên truyền ở các thôn bản vùng sâu, xã thuộc các huyện miền núi cao, vùng có tỷ lệ trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Chính sách (Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) thông tin: Lâu nay, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, thì công tác tuyên truyền vẫn là nòng cốt, các chế tài khác vẫn chưa thể thực hiện. Bởi vậy, trong năm qua dù có giảm nhưng tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn cao.
Năm 2022, tổng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện tiểu dự án 2, dự án 9 về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Nghệ An là hơn 1,8 tỷ đồng. Cả giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn được hỗ trợ là hơn 5,7 tỷ đồng. Mục tiêu của cả giai đoạn mà Nghệ An đặt ra là giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn đối với các địa bàn, DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.
Ngoài chính sách riêng của tỉnh, từ năm 2022, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, Nghệ An đã lồng ghép, tổ chức tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho các đối tượng vùng đồng bào DTTS.
Đến thời điểm hiện tại, công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã được phòng dân tộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Quế Phong, Nghĩa Đàn...tổ chức tuyên truyền theo nguồn kinh phí được cấp.
Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: Với nguồn lực thực hiện tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, thuộc dự án 9, chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và Miền núi, huyện kỳ vọng sẽ giảm nhanh hơn nữa tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Huyện đặt ra mục tiêu giảm bình quân 2%-3% mỗi năm số cặp tảo hôn và đến năm 2025 ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Theo ông Nhất, đó là nhiệm vụ, mục tiêu nặng nề đòi hỏi cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ các sở ban ngành cấp tỉnh để triển khai thực hiện.
Qua nắm bắt thông tin, việc tuyên truyền, vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng đã được thực hiện tại 4 điểm trường, gồm 2 điểm tại huyện Tương Dương, thuộc các xã Nga My và Yên Hòa; 2 điểm tại huyện Quỳ Châu thuộc các xã Châu Hoàn và Châu Phong. Đối tượng tham gia là khoảng 1.200 em học sinh các trường THCS bán trú và các thầy cô giáo.
Bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quỳ Châu nhìn nhận, việc tuyên truyền, vận động chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ngay từ trong trường rất ý nghĩa và hiệu quả. Phòng cũng đã chỉ đạo các trường, khéo léo tuyên truyền bằng rất nhiều hình thức với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Hy vọng với sự quyết tâm của các cấp chính quyền trong việc kiên trì thực hiện các giải pháp, trong đó triển khai hiệu quả, tiểu dự án 2, dự án 9 trên địa bàn Nghệ An, sẽ đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong thời gian sớm nhất./.