Những năm qua, do mức độ nguy hiểm của thiên tai; đồng thời, do khả năng phòng chống của các công trình, nhà ở của người dân còn hạn chế, sự chủ quan của người dân... nên năm nào thiên tai cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai đã triển khai rộng khắp, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc phát các văn bản chỉ đạo, ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bước đầu hình thành mạng lưới thông tin chuyên dùng cho phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, hiện nay, mạng lưới thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy còn nhiều bất cập, khi xảy ra thiên tai lớn thường gây mất thông tin liên lạc dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó và khắc phục hậu quả.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, đề xuất sửa đổi quy định về truyền tin và mạng lưới thông tin phục vụ chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai. Đây là một trong những yếu tố tích cực, tác động để các cấp chính quyền và người dân hiểu được mức độ nguy hiểm của thiên tai, kịp thời có giải pháp phòng chống thiên tai.
Bên cạnh yếu tố khách quan, thì yếu tố con người cũng đang tác động không nhỏ, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Phát biểu tại một Hội thảo về phòng chống lũ quét, sạt lở đất do Ủy ban Dân tộc tổ chức cuối năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng: Với điều kiện còn khó khăn về kinh phí của nước ta hiện nay, các giải pháp về cơ sở vật chất, công trình chỉ có thể áp dụng cho một số công trình cụ thể. Về cơ bản, phải tập trung vào các “giải pháp mềm”-đó là tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được sự nguy hiểm và yếu tố bất ngờ của thiên tai, từ đó từ bỏ tâm lý chủ quan, coi thường; chủ động trang bị cho mình các kỹ năng nhận biết và sơ tán khi có thiên tai ập đến. Bên cạnh đó, cần quan tâm nhiều hơn đến công tác cảnh báo, dự báo…
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong phòng chống thiên tai, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Mỗi người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nguy hiểm cần biết cách tự bảo vệ tính mạng và tài sản của mình trước thiên tai. Những giải pháp “mềm” này cần được quan tâm thực hiện thật tốt để hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại đáng tiếc do thiên tai gây ra…
HƯƠNG TRÀ