Lấy chiếc áo làm mát được cấp đông trong tủ lạnh ra, PGS, TS Mai Anh Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu giới thiệu tính năng và cách thức hoạt động của chiếc áo mà theo PGS, TS tất cả nguyên liệu làm áo đều có sẵn trên thị trường.
Chiếc áo được thiết kế dạng áo gi-lê, mặc ngoài đồng phục y tế hoặc bên trong lớp áo PPE để hỗ trợ làm mát cho nhân viên y tế trong quá trình làm việc, lấy mẫu hoặc điều trị người bệnh. Chiếc áo được làm từ vải không dệt, tráng Polyphenyl Ether (có tác dụng chống nước và biết thở). Bộ phận quan trọng nhất trên áo là năm túi gel có chức năng hạ nhiệt, được gắn trên thân trước và sau áo. Gel thực chất là vật liệu chuyển pha, gồm hỗn hợp polyme và muối ăn, là những chất không độc hại, đã được chứng nhận chất hợp chuẩn tại ba thị trường khó tính nhất là Mỹ, EU và Nhật Bản. Túi đựng gel được thiết kế đặc biệt, dạng cấu trúc tổ ong giúp làm giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ thể và vật liệu để tăng thời gian giữ nhiệt, kéo dài khoảng nhiệt độ bão hòa. Thử nghiệm ở nhiệt độ 35oC, áo cho thời gian tăng nhiệt từ 21oC lên 32oC trong vòng hai giờ, sau đó ổn định tốt ở 32oC trong vòng hơn một giờ. Khi áo hết mát, có thể xịt cồn lên bề mặt áo để khử khuẩn, sau đó để trong ngăn đông tủ lạnh khoảng bốn giờ cho lần sử dụng tiếp theo.
Nhóm nghiên cứu là các kỹ sư chuyên về khoa học vật liệu và vật lý. Ngay từ đợt dịch đầu, nhóm đã khẩn trương nghiên cứu rô-bốt lau sàn khử khuẩn, đã thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Chia sẻ lý do phát triển sản phẩm áo làm mát lần này, PGS, TS Mai Anh Tuấn cho biết, một người thân làm việc ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã nói với anh về những vất vả của nhân viên y tế trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm và điều trị người bệnh, đồng thời ngỏ ý "dân vật liệu" có thể làm gì đó để giúp họ. Trước đề nghị này, nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào phát triển sản phẩm và nhận thấy chuyên môn là vấn đề khó, và thử thách hơn là sản phẩm phải tiện lợi, không làm vướng víu nhân viên y tế trong quá trình lấy sinh phẩm, điều trị người bệnh Covid-19. "Thời điểm chúng tôi nghiên cứu, sản phẩm áo làm mát đã có ở nước ngoài, vài nhóm nghiên cứu trong nước cũng đang phát triển và thử nghiệm với cách tiếp cận khác nhau. Ðó chính là thực tế để nhóm nghiên cứu lựa chọn tiếp cận phát triển sản phẩm theo cách riêng, với mục tiêu an toàn, thoải mái và giá thành hợp lý" - PGS, TS Mai Anh Tuấn chia sẻ.
Hướng đi riêng đó chính là sự đổi mới, sáng tạo, kiên trì, chỉnh sửa nhiều phiên bản để cuối cùng cho ra đời một thiết kế áo khác biệt. Áo nhỏ gọn phù hợp với vóc dáng người châu Á, một kích cỡ nhưng nhiều người mặc được; chất liệu thuận tiện cho giặt hoặc khử khuẩn sau khi mặc; giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu (150 nghìn đồng/chiếc). Ðặc biệt, thân áo phía trước ngắn hơn phía sau để dễ dàng thao tác, và không gây lạnh bụng. Thiết kế ấy chính là những kinh nghiệm quý báu của các y, bác sĩ đang làm việc nơi tuyến đầu, của các chuyên gia y tế và chuyên gia ngành may mặc đã "cho không" nhóm nghiên cứu vì mục tiêu sớm có giải pháp hỗ trợ nhân viên y tế.
Ðến nay, 1.500 chiếc áo làm mát đã được chuyển đến nhân viên y tế tuyến đầu phòng, chống dịch tại nhiều đơn vị y tế trong cả nước, như: CDC Nghệ An, CDC Hà Tĩnh; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng); thị xã Cai Lậy (Tiền Giang); 21 bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh. Niềm vui lớn nhất đối với các kỹ sư là những phản hồi của các nhân viên y tế nhận xét áo dễ sử dụng và đem lại cảm giác thoải mái khi làm việc nhiều giờ trong môi trường nắng nóng.
Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho một công ty sản xuất hàng loạt nhằm phục vụ phòng, chống dịch. Nhóm nghiên cứu cho biết, một số nhà hảo tâm đặt hàng sản xuất để tặng các cơ sở y tế, nhưng nếu chỉ bằng cách này thì sản phẩm không thể đến được với nhiều cán bộ y tế đang rất cần. Do đó, cần chính sách quảng bá để sản phẩm công nghệ có cơ hội được sử dụng rộng rãi hơn và từ đó nhóm hoàn thiện sản phẩm tốt hơn. Từ thành công này, nhóm nghiên cứu có kế hoạch phát triển sản phẩm để phục vụ nhiều người có đặc thù hoạt động, làm việc dưới thời tiết nắng nóng./.