Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBTTPL) Ngô Quỳnh Hoa cho biết: Việt Nam có 54 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó các DTTS có khoảng 13,3 triệu người (chiếm khoảng 14,6%) và chủ yếu sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi, việc tiếp cận thông tin pháp luật nói riêng còn hạn chế.
Theo kết quả điều tra, thống kê năm 2019, tỷ lệ tảo hôn chung của 53 DTTS là 26,6%, trong đó có 40 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 13 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) ở một số DTTS còn cao, bình quân 6,5%. Trong đó, Gia Lai và Kon Tum là 2 trong 15 tỉnh có tỷ lệ tảo hôn và HNCHT cao.
Tại tỉnh Gia Lai, theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS” giai đoạn 2016 - 2020, số trường hợp tảo hôn và HNCHT giảm qua các năm, cụ thể năm 2015 có 1.132 vụ tảo hôn nhưng đến năm 2020 đã giảm còn 869 vụ, tỷ lệ tảo hôn đã giảm được 0,34%.
Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi hành vi của người DTTS, đặc biệt là trẻ em và cha mẹ của trẻ em đối với tảo hôn, HNCHT bằng việc đẩy mạnh TTPBPL. Qua đó, không chỉ góp phần giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tảo hôn, HNCHT mà còn thúc đẩy bảo vệ, thực hiện các quyền của phụ nữ, trẻ em DTTS trên thực tế.
Tại lớp tập huấn, các học viên được nghe báo cáo viên giới thiệu sổ tay, tuyên truyền, phổ biến bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thông qua các chuyên đề gồm: Thực trạng, nguyên nhân, quy định pháp luật về tảo hôn, HNCHT và các quy định pháp luật khác có liên quan; tảo hôn - nhìn từ góc độ trẻ em; những tác hại của tảo hôn, HNCHT đến sức khỏe của trẻ em bao gồm cả sức khỏe tâm thần, sinh sản của trẻ em và giống nòi; kỹ năng truyền thông góp phần giảm thiểu tảo hôn, HNCHT cho tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở và Người có uy tín trong cộng đồng.
Các học viên đã tham gia thảo luận sôi nổi, hào hứng, góp phần trao đổi, củng cố kiến thức pháp luật và kỹ năng phổ biến pháp luật về tảo hôn, HNCHT qua các chuyên đề. Đồng thời, học viên cũng đánh giá cao về mô hình, cách thức và phương pháp tổ chức lớp tập huấn dễ hiểu, gần gũi, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình của địa phương.
Sau khi tập huấn, các học viên sẽ vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm để áp dụng trong công tác truyền thông, PBGDPL, về giảm thiểu tảo hôn, HNCHT. Cùng với đó, chủ động, tích cực cập nhật kiến thức pháp luật và các kỹ năng mới để nâng cao chất lượng. Ngoài ra, các học viên sẽ tổng hợp những mô hình, cách làm hay cũng như khó khăn, vướng mắc trong công tác truyền thông, PBGDPL gửi về Bộ Tư pháp để kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn và giải quyết.