Tại làng Mun (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh), ngay từ sáng sớm, hơn 400 đồng bào Gia Rai ăn mặc chỉnh tề, nô nức đến nhà rông sinh hoạt của làng. Hôm nay, dân làng tạm gác công việc nương rẫy để để tham dự Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ. Đối với dân làng Mun, ngày này cũng giống như những ngày lễ, hội quan trọng của làng.
Dưới bóng nhà rông, các cán bộ chiến sĩ Công an huyện, thị trấn cùng với lãnh đạo thôn làng, người dân tiến hành các nghi thức Ngày hội. Trong tiếng cồng chiêng âm vang, những màn múa xoang uyển chuyển của đội cồng chiêng, làng Mun trở nên tươi vui, rộn ràng.
Ông Rơ Châm Grí - Bí thư Chi bộ làng Mun vui vẻ nói: Dân làng mình 100% là đồng bào Gia Rai, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Từ khi phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, dân làng được cán bộ, chiến sĩ Công an về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, vận động dân làng nghiêm túc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội… Từ đó, đã thay đổi nếp nghĩ, cùng nhau đoàn kết bảo vệ bình yên của nơi mình sinh sống.
"Những năm trước, mỗi năm xảy ra khoảng 10 vụ việc vi phạm, thì năm nay, đã giảm xuống còn 5 vụ vi phạm và đều được xử lý kịp thời. Mình cùng dân làng bảo nhau tích cực tham gia phong trào, nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm, không tin, không nghe kẻ xấu xúi giục”, ông Rơ Châm Grí cho biết.
Trung tá Đặng Quốc Bảo, Trưởng Công an thị trấn Ia Ly, cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 4 đợt phát động tại các làng có đông đồng bào DTTS sinh sống, thu hút trên 2.700 lượt người tham gia; 6 đợt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 1.600 lượt người dân.
Đồng thời, thực hiện ký kết các chương trình hành động, gắn việc thực hiện phong trào bảo vệ ANTQ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, duy trì tốt các mô hình “tổ tự quản về an ninh trật tự”… Qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp Nhân dân xây dựng vững chắc nền an ninh Nhân dân, thế trận lòng dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tương tự, tại làng Lang thuộc xã biên giới Ia Chía, huyện Ia Grai có 317 hộ dân, trong đó người Gia Rai chiếm trên 60%, đời sống của người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Nhưng để thôn làng bình yên, bà con rất tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm, không tin, không nghe theo lời kẻ xấu lừa phỉnh, xúi giục vượt biên trái phép sang Campuchia hoặc làm điều sai trái…
Trong không khí sôi nổi của Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ tại Nhà văn hoá làng Lang, người dân đã được xem những thước phim tài liệu tuyên truyền về ý nghĩa của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Chía cũng tuyên truyền cho bà con một cách ngắn gọn, dễ hiểu về nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới.
Hiện nay, mô hình tổ tự quản về an ninh, trật tự của làng Lang đã được duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Dịp này, Phòng an ninh đối ngoại, Công an tỉnh đã trao tặng 45 phần quà cho 45 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở làng Lang, với tổng kinh phí 25 triệu đồng.
Ngay từ giữa tháng 7/2022, lực lượng công an tỉnh Gia Lai đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo các nội dung của phần lễ và phần hội. Tính đến ngày 16/8, lực lượng Công an toàn tỉnh Gia Lai đã tham mưu tổ chức “Ngày hội điểm” tại 287 địa điểm, trong đó có 267 điểm được tổ chức ở phạm vi cấp xã với tinh thần đoàn kết, vui tươi, sôi nổi, ý nghĩa và đậm nét văn hóa dân tộc.
Đồng thời, lực lượng Công an đã tham mưu, tổ chức thành công 129/287 Ngày hội điểm, thu hút gần 19.500 người tham dự, trao tặng hơn 1.190 suất quà và tặng giấy khen cho 285 tập thể, cá nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh", cho biết: Thời gian qua, Sở đã tham mưu, phối hợp với các ban ngành, địa phương tích cực tuyên truyền đến bà con dân làng cùng tham gia phong trào bảo vệ ANTQ. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền tại khu vực biên giới. Các hình thức tuyên truyền đến người dân gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu để người dân hiểu bảo vệ ANTQ chính là bảo vệ gia đình, bản thân, thôn làng của mình. Từ đó, người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ, tính sáng tạo và tự giác tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.