Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh, Dương Mah Tiệp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 và 2023 được giao hơn 1.630 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 1.383 tỷ đồng, đạt 84,86% kế hoạch; số vốn kéo dài sang năm 2024 còn lại chưa giải ngân là 246,8 tỷ đồng.
Cụ thể, các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Xây dựng nông thôn mới giải ngân 590,3 tỷ đồng, đạt 83,70%; Giảm nghèo bền vững giải ngân 148,6 tỷ đồng, đạt 87,56% và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giải ngân 644,8 tỷ đồng, đạt 85,34%.
Đối với tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 được giao là 1.159,8 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 464,6 tỷ đồng, đạt 40,06% kế hoạch. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giải ngân 110,6 tỷ đồng, đạt 62%; Giảm nghèo bền vững giải ngân 102,505 tỷ đồng, đạt 46,13%; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giải ngân 251,5 tỷ đồng, đạt 33.13%. Số vốn kéo dài sang năm 2024 còn lại chưa giải ngân là 695,2 tỷ đồng.
Riêng kế hoạch vốn năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giao là 986,5 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 150,1 tỷ đồng, đạt 15,21%; tổng kế hoạch vốn sự nghiệp được giao là 463,3 tỷ đồng, đã giải ngân 1,69 tỷ đồng, đạt 0,36% so với kế hoạch.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị hướng dẫn thực hiện các văn bản bộ, ngành Trung ương còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Công tác giải ngân vốn từ nguồn ngân sách nhà nước đến nay còn hạn chế nếu không có giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc của các cấp, ngành thì khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Để đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG và giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2024, các sở, ngành và địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, rà soát từng dự án để phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và tháo gỡ.
Đối với các dự án do các sở ngành làm chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Gia Lai đề nghị đẩy nhanh các thủ tục triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án bảo đảm hoàn thành kế hoạch được giao trong năm 2024.
Riêng nguồn vốn Chương trình MTQG năm 2022 và năm 2023 được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết năm 2024, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công năm 2022, 2023 và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh trong việc chậm triển khai thực hiện, làm mất vốn.