Góp sức để buôn làng đẹp hơn
Xây dựng NTM với việc thực hiện 19 tiêu chí, là một vấn đề còn gặp rất nhiều khó khăn ở miền núi Gia Lai, vì hầu hết đời sống của người dân tại đây đang còn nhiều khó khăn, nhất là đối với đồng bào DTTS.
Vượt qua khó khăn trăm bề, xã Ayun Hạ đã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Phú Thiện. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) đã bám sát đề ra nhiều giải pháp, tranh thủ, lồng ghép nhiều nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác, cũng như huy động một cách hợp lý, hiệu quả sự chung tay góp sức của các tầng lớp Nhân dân để đưa xã về đích NTM. Qua hơn 5 năm triển khai chương trình, tổng kinh phí thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu là trên 11,48 tỷ đồng, trong đó, có hơn 3,695 tỷ đồng cùng hàng ngàn mét vuông đất và ngày công lao động được huy động đóng góp từ Nhân dân.
Trong năm 2015, tại huyện Ia Grai, xã biên giới Ia O được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021. Đến nay, xã có 24km đường trục xã, liên xã đã được nhựa hoá và bê tông hoá; gần 25km đường trục thôn, đường trục làng được cứng hoá; trên 90,7% đường làng ngõ xóm không còn lầy lội vào mùa mưa. Nhờ được hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo, các nguồn vốn vay ưu đãi, người dân Ia O dần thay đổi “nếp nghĩ cách làm”, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Già làng Ksor Cân (làng Dăng, xã Ia O) chia sẻ: Hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng NTM, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, ông đã vận động người dân làng Dăng chung sức, đồng lòng, thực hiện xây dựng làng NTM bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt là, khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn dài gần 1 km, ông cùng Ban Nhân dân và các đoàn thể đã vận động nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối và hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp công, góp của để chung sức xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đi lại thuận tiện.
Tại huyện Chư Păh, giai đoạn 2016 - 2020 có 4 xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, xã Hòa Phú được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Có được kết quả đó là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự cố gắng của chính quyền địa phương cùng người dân chung sức hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Ông Rơ Châm Khoan - Trưởng thôn Hreng, xã Hòa Phú cho hay: Khi xã triển khai xây dựng NTM, mọi người ai cũng phấn khởi. Người có điều kiện thì đóng góp kinh phí, người không có điều kiện, thì góp ngày công hoặc hiến đất để làm nhà văn hóa, mở rộng hơn 4 km đường giao thông nông thôn và nhiều công trình khác. Có hộ dân còn hiến gần 1.000m2 đất. Giờ đây, xã Hòa Phú đã đạt chuẩn NTM, hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của bà con. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.
Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh khẳng định: Đạt được những kết quả trên là do sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp Nhân dân trong huyện.
Công tác tuyên truyền về thực hiện Chương trình đa dạng, hiệu quả đã làm thay đổi rõ nét nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức các cấp và Nhân dân về Chương trình xây dựng NTM; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM ngày một cao, nhiều hộ gia đình đã tích cực đóng góp sức lao động, vật liệu, hiến đất làm công trình giao thông, thủy lợi....
Phát huy tối đa nguồn lực
Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Gia Lai đã huy động gần 2.786 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM. Đến tháng 9/2023, tổng nguồn vốn huy động triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh là gần 8.114 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương gần 760 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 11.000 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 3.425 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 2.644 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 55,24 tỷ đồng, vốn người dân đóng góp hơn 217 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, đã có 91 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 3 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM; tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn giảm tính đến hết năm 2022 chỉ còn 25,59%. Cùng với đó, nhiều tiêu chí đã được các địa phương hoàn thành và ngày càng tiến gần tới mục tiêu đạt chuẩn NTM.
Tại Hội nghị sơ kết kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, (giai đoạn 2021-2023), để thực hiện có hiệu quả Chương trình hơn nữa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp nhấn mạnh việc cần tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình; làm tốt công tác huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho chương trình, khuyến khích Nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
"Chú trọng phát huy vai trò của người dân và cộng đồng dân cư, đảm bảo cơ chế rõ ràng để người dân chủ động bàn bạc, quyết định tổ chức thực hiện chương trình theo kế hoạch; giao cho thôn, làng và cộng đồng dân cư làm các công trình đơn giản. Chủ động thường xuyên tổ chức kiểm tra giám sát đánh giá tình hình thực hiện chương trình ở địa phương...", Phó Chủ tịch tỉnh Dương Mah Tiệp lưu ý.