Sống tốt đời đẹp đạo
Những năm qua, với tinh thần trách nhiệm và uy tín của mình, ông Haji Jacky, Trưởng ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang luôn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Chăm chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần quan trọng vào việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo ông Haji Jacky, cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang hiện có hơn 17.000 người, tất cả đều theo đạo Hồi, sinh hoạt tại 12 thánh đường, 16 tiểu thánh đường tại 9 xóm, ấp thuộc thị xã Tân Châu và 4 huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân. Nghề nghiệp chủ yếu của bà con là dệt thổ cẩm, thêu đan, chăn nuôi, một số ít buôn bán nhỏ.
Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, cộng đồng người Chăm An Giang luôn tích cực hưởng ứng các phong trào do các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phát động và tổ chức. Ban đại diện cộng đồng luôn nỗ lực, phát huy tốt vai trò cầu nối giữa cộng đồng người Chăm với cấp ủy đảng, chính quyền; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con tín đồ, kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề bất cập.
“Chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp ở địa phương như hiện nay, tương lai không xa, bà con dân tộc Chăm ở An Giang sẽ phát triển vượt bậc về mọi mặt”, ông Haji Jacky khẳng định.
Không chỉ quan tâm vận động bà con làm kinh tế, ông Haji Jacky cũng tích cực vận động đồng bào Chăm có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tôn giáo. Tích cực triển khai, đẩy mạnh các cuộc vận động Nhân dân tham gia thực hiện xây dựng nếp sống mới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “ Gia đình Islam văn hóa, bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội.
Là Người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Khmer cũng như các tín đồ Phật giáo tỉnh Trà Vinh, Hoà thượng Thạch Sok Xane, Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh cho biết: “Đồng bào Khmer chiếm 30% dân số toàn tỉnh. Họ có truyền thống theo Phật giáo Nam tông Khmer, coi ngôi chùa là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mình. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tích cực động viên, khích lệ sư sãi, tín đồ tham gia vào các hoạt động đạo - đời hài hoà”, Hoà thượng Thạch Sok Xane chia sẻ.
Ông Kha Thành Phát, Hội trưởng Hội Tương tế người Hoa ở TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang được cộng đồng người Hoa yêu mến, ngưỡng mộ. Nhiều năm qua, ông Phát cùng với Hội Tương tế người Hoa đã có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế và tham gia nhiều hoạt động từ thiện tại địa phương. Suốt 20 năm qua, hằng tháng, ông Kha Thành Phát, đều cấp phát gạo cho người nghèo. Trung bình mỗi năm, ông Phát cho các gia đình khó khăn ở TP. Vị Thanh mượn trên 100 triệu đồng để làm ăn, phát triển kinh tế; hỗ trợ trên 2.000 quyển tập cho các trường trên địa bàn TP. Vị Thanh để tặng các em học sinh trong năm học mới.
Không chỉ ông Kha Thành Phát, miền Tây Nam bộ còn rất nhiều vị là Người có uy tín đã có những hoạt động, việc làm có ý nghĩa trong cộng đồng. Ông Lôi Cẩm Chương, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang rất nhiệt tình tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai lũ lụt ở địa phương. Ông Huỳnh Phến, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Sóc Trăng năm nào cũng trực tiếp tham gia tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội.
Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, nhiều gia đình người Hoa Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhận những phần quà Tết của Hội tương tế người Hoa. Những phần quà có giá trị lớn về tinh thần đã mang đến cho bà con sự ấm áp của tình người để đón một mùa Xuân mới tươi vui, phấn khởi, tràn đầy niềm tin mới.