Sau nhiều năm công tác tại địa phương ở nhiều vị trí khác nhau, từ cán bộ Đoàn Thanh niên đến Hội Nông dân…, ông Ma Tiến Thậm nhận thấy thế hệ thanh niên ngày nay không còn mặn mà, tha thiết với bản sắc văn hóa của dân tộc, trong khi các thế hệ cao niên thì không còn nhiều. Từ trăn trở đó, năm 2012, sau khi nghỉ hưu, ông Thậm đã tìm đến một người bạn của mình có truyền thống gia đình về hát then, đàn tính để theo học chế tác đàn tính. Tự nhận mình là người có “duyên muộn” với văn hóa của dân tộc, nên khi học, ông tiếp thu rất nhanh. “Chỉ mất mấy ngày đầu ngồi quan sát, tôi đã tự mày mò làm ra được những bộ phận của đàn. Sau đó nhờ người lắp ghép, lên dây… thế mà chiếc đàn của tôi sau khi hoàn thiện đã được mọi người tấm tắc khen”. Cứ thế, ông Thậm trở thành người chế tác đàn tính có tiếng trong làng, nhiều người đã tìm đến nhờ ông hướng dẫn.
Mặc dù đến nay, ông Thậm mới chỉ chế tác đàn được hơn 5 năm, nhưng tiếng đàn của ông ngày càng được nhiều người biết đến và sử dụng. Hằng năm, vào các ngày hội văn hóa, ngày lễ, ông Ma Tiến Thậm lại được mời về Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam để biểu diễn và chế tác đàn tính, cũng như giới thiệu những chiếc đàn của mình cho khách du lịch. Ông Thậm thông tin, từ đầu năm 2018 đến nay, ông đã bán được hơn 20 cây đàn cho đồng bào đang sinh sống tại làng, cũng như du khách.
Ông Thậm cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Thanh Định có khoảng 5-7 người còn biết chế tác đàn tính, nhưng chỉ có ông là làm nhiều hơn cả để bán ra thị trường, cũng như hướng dẫn cho nhiều người cách làm. “Gia đình tôi tự trồng bầu để tiện cho việc làm đàn, tự tay chăm sóc rồi chọn lựa những quả bầu đẹp nhất để làm ra được chiếc đàn chất lượng. Ở vùng Định Hóa hiện nay có nhiều nghệ nhân đang dùng đàn của tôi để đi biểu diễn”, ông Thậm thông tin.
Không chỉ chế tác đàn tính, ông Thậm còn tham gia vào Câu lạc bộ (CLB) hát Then đàn Tính tỉnh Thái Nguyên với vai trò là phân hội trưởng. Hiện nay, CLB có hơn 50 hội viên, đều là những người hát hay, đàn giỏi có tiếng trên quê hương Thái Nguyên. Theo ông Thậm cho biết, có đến 50% hội viên là do ông đi vận động kết nối các thành viên để tham gia sinh hoạt. “Cứ nghe nói ở đâu có người biết hát, biết đàn, tôi lại tìm đến tận nơi để thuyết phục, mời họ vào CLB. Cũng có nhiều người vì bận công việc gia đình không nhận lời tham gia thường xuyên, nhưng nếu có chương trình giao lưu thì tất cả các thành viên đều tham gia nhiệt tình”. “Ở cái tuổi của tôi bây giờ, chỉ mong làm được điều gì đó để văn hóa của dân tộc mình được lưu giữ và phát triển cho thế hệ sau này. Như thế đã là mãn nguyện rồi”, ông Thậm tâm sự.
HỒNG MINH