Nhiệt huyết tuổi trẻ
Năm 1971, đang học lớp 9 (lớp 11 bây giờ), còn thiếu 2 tháng nữa mới đủ 18 tuổi, chàng trai Lê Văn Tâm đã trốn thầy mẹ đi khám tuyển để vào bộ đội. Khi cả nhà biết chuyện thì anh đã có giấy gọi lên đường nhập ngũ.
Nỗi nhớ thầy mẹ, thương các em nhỏ được chàng trai Lê Văn Tâm gửi gắm qua những lá thư. Thư nào anh cũng động viên thầy mẹ yên tâm, tin tưởng vào ngày anh trở về. Trong thư anh cũng kể về những lần được khen thưởng, được gặp người quen…
Sau huấn luyện, chàng lính trẻ từ huyện di chuyển xuống thị xã để đi tàu vào chiến trường. Anh cùng đơn vị đi tàu vào đến ga Quán Hành, cách TP. Vinh (Nghệ An) 10km thì trú quân. Lá thư đầu tiên sau khi rời xa đất Thanh Hóa đề ngày 2/1/1972, viết ở Nghệ An, lá thư sau viết ở Quảng Bình ngày 4/1.
Ngày 30/1/1972, gia đình nhận được thư của người lính trẻ Lê Văn Tâm viết ở Lào, thư đề ngày 17/1/1972, lá thư vẫn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhưng đây cũng là lá thư cuối cùng; hơn 10 ngày sau, chiến sĩ Lê Văn Tâm đã hy sinh (ngày 29/1/1972) khi vừa chớm 18 tuổi.
Theo chị Lê Ánh Tuyết, cháu ruột của liệt sĩ Lê Văn Tâm, gần 1 năm sau, ngày 1/1/1973, gia đình nhận được giấy báo tử. Cũng từ đó, mong ước đưa liệt sĩ Lê Văn Tâm trở về luôn cháy bỏng trong tâm khảm mọi thành viên của gia đình. Những cuộc tìm kiếm đã được thực hiện, những rồi cũng chưa có kết quả.
Một buổi chiều, cả gia đình chị Tuyết vỡ òa cảm xúc khi nhận được giấy của Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN) gửi về, đề nghị xác nhận thân nhân liệt sĩ. Theo giấy báo, rất có thể liệt sĩ Lê Văn Tâm được quy tập về Nghĩa trang quốc gia đường 9 (Quảng Trị).
Ngày 27/12/2018, gia đình chị Tuyết đã vào Quảng Trị, với mong ngóng của những người ruột thịt sau gần 50 năm khắc khoải nhớ thương. Gia đình được đưa đến mộ chí số 32, với tên liệt sĩ Lê Văn Tâm và cuộc trùng phùng chỉ có nước mắt.
Nhưng để tránh nhầm lẫn, gia đình đã làm xét nghiệm AND. Cuối cùng, Trung tâm Hỗ trợ pháp lý xác nhận liệt sĩ Lê Văn Tâm không nằm ở mộ số 32 mà là số 102, khu lục giác. Bên cạnh ngôi mộ số 102 là 4 mộ khác cùng quê Thanh Hóa, cùng đơn vị, cùng hy sinh một ngày với liệt sĩ Lê Văn Tâm.
Những gì còn lại của người đã khuất là một nắm đất nhỏ nhoi gói trong bọc nylon màu xanh, vài mẩu xương ít ỏi, mấy cúc áo, một bàn chải đánh răng và hai chiếc bút máy một màu đen, một màu đỏ. Kỷ vật chỉ còn có bấy nhiêu thôi, khiến gia đình chị Tuyết ai cũng nước mắt lưng tròng!
Chị Tuyết chia sẻ: Chi tiết chiếc bút đỏ khắc tên “Quang Sáng 7/1965” đã thắp lên một hy vọng cho gia đình. Đó là của một người họ hàng có tên như thế, đã từng đi B. Vậy làm sao chú tôi lại có nó? Khi đến nhà hỏi bác Sáng thì bác năm nay đã hơn 80, trí nhớ có phần giảm sút. Bác nói bác có bút nhưng cho ai thì bác không thể nhớ được.
Thế rồi, một buổi trưa, bố chị Tuyết gọi điện cho chị, giọng nghẹn đi: “Đúng là chú Tâm rồi con ạ, chắc chắn là chú rồi!”. Chuyện là, trưa đó bố chị không ngủ được, lục lọi lại những thư từ, giấy tờ cá nhân của hơn 50 năm trước và mới chỉ lật đến lần lật thứ hai quyển nhật ký dày, thì từng dòng, từng dòng hiển hiện trước mắt làm ông run lên nghẹn ngào “...Tôi đưa em cái bút của anh Quang Sáng tặng trong những năm anh giữ được ở B...”. Chỉ với một chi tiết nhỏ đó, liệt sĩ Lê Văn Tâm đã được về với gia đình sau bao năm trời đằng đẵng.