“Ôm” ruộng làm ăn lớn
Chỉ tay ra cánh đồng dưa hấu, bí đỏ của mình, Dương Đình Lợi kể: Mấy năm trước là cát bạc, cỏ dại cả đấy. Vì sản xuất kém hiệu quả nên mọi người bỏ hoang nhiều.
Tôi dõi theo tay Lợi chỉ rồi mắt như hoa lên, khi cả cánh đồng mênh mông đã được đánh luống, be bờ và đã được trồng những loại cây chịu hạn của vùng đất pha cát. Lợi bộc bạch: "Mất rất nhiều thời gian cải tạo, thử nghiệm các loại cây trồng thì mới có được như ngày hôm nay"
Vốc một nắm đất cát pha lên tay, mùi đất ẩm pha lẫn mùi vôi vừa bón khử thốc lên khiến tôi hơi sốc. Nhưng tôi biết, mùi vị của đồng đất ấy đã ngấm bao giọt mồ hôi mặn chát, bao đêm trọc trằn của Lợi, khi quyết tâm “ôm” ruộng để làm ăn lớn.
Ấy là năm 2016, Lợi quyết định bắt tay vào dự án nông nghiệp mà mình ấp ủ trong nhiều đêm trắng nghĩ cách làm giàu. Trước đó, suốt quãng thời gian hơn 10 năm tha phương làm công nhân, anh chưa bao giờ cảm nhận được sự thôi thúc trong sâu thẳm lòng mình khi đứng trước những đồng đất cát cả trăm ha bị bỏ hoang.
Ban đầu, anh thuê 4,5ha đất do Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (nay là KKT tỉnh) quản lý rồi vay mượn 1 tỷ đồng cải tạo đất, đầu tư máy móc để trồng các loại cây màu theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Ngay vụ đầu tiên, Lợi trồng thử nghiệm nhiều loại rau, củ như bí đỏ, dưa hấu, cà rốt… để đánh giá xem loại cây nào phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất nơi đây.
Lợi trải lòng: "Tôi xác định làm là làm chứ cũng chưa định rõ sẽ làm như thế nào, nên khá vất vả vì tự mày mò. Ai cũng ái ngại khi thấy tôi hăng quá, còn đất đai thì lại rất kém. Trước tôi, đã rất nhiều người bỏ hoang. Nhưng tôi lại nghĩ, thổ nhưỡng nào thì loại cây đó. Sau vài vụ trồng thử nghiệm, cuối cùng tôi thấy dưa hấu là hợp nhất và quyết định sẽ chọn đây là loại cây chủ lực của vùng này".
Khi đã nắm trong tay bí quyết canh tác được tích lũy từ mồ hôi, nước mắt của những ngày trầy trật trên đồng đất, năm 2019, Lợi tiếp tục thuê lại 6,5ha đất hoa màu bỏ hoang của người dân quanh vùng. Những vụ mùa liên tiếp thắng lợi đã khiến chàng trai trẻ Dương Đình Lợi mạnh dạn mượn thêm 7ha đất, vào đầu năm 2021, của người dân thôn Vĩnh Thuận bên cạnh. Tổng diện tích sản xuất của anh Lợi hiện đã lên tới 18ha.
“Đất sỏi đã có chạch vàng”
Có đất, đã xác định được cây trồng phù hợp, có nguồn nhân công tại chỗ dồi dào, nhưng sự đời đâu có dễ dàng như vậy. Khi bắt tay dồn vốn liếng cho cây dưa hấu, liên tiếp những mùa đầu tiên, anh đã thất bại, bởi thời tiết quá khắc nghiệt, lại non kinh nghiệm.
Chẳng nản.Thấy người Nghệ An phải ra Thanh Hóa thuê đất trồng dưa hấu, người Quảng Bình cũng ra đây xin làm chung, cớ sao mình có đất, có nguồn nhân công lại không quyết tâm làm chứ? Những mùa dưa thất bát, người ta nhìn thấy anh thất bại, còn anh lại thấy được những bài học quý giá. Đó là lúc Dương Đình Lợi đã hiểu hết hơi thở của đồng đất, khí hậu quê mình để điều chỉnh thời vụ xuống giống hợp lý, đúc rút kỹ thuật chăm sóc và chuyển hướng trồng thêm cây bí đỏ.
Tuy nguồn thu từ bí đỏ không cao như dưa hấu (chỉ 2.000 đồng/kg) nhưng lại giải quyết được việc làm cho nhân công. Bằng cách này, đồng ruộng của Lợi luôn gối vụ, khi việc thụ phấn cho bí kết thúc, cũng là lúc rắc vôi, làm đất để xuống giống gieo lại vụ dưa mới.
Thế rồi, đất không phụ công người, năm 2020, ruộng dưa hấu 8ha của anh đã thu được chừng 80 tấn, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Gần 20 lao động thời vụ đã cùng anh lăn lộn trên cánh đồng dưa với việc làm ổn định, thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. “Ôm” gần 20ha đất, đấy là lúc đặt ra những trăn trở mới về sự phát triển bền vững của mô hình.
Mùa dưa hấu kéo dài từ tháng 11 năm nay đến tháng 8 năm sau, từ tháng 8 đến hết tháng 10 là thời gian đất nghỉ. Suốt nhiều năm, Lợi phải trải qua 3 tháng không có thu nhập, không có việc cho công nhân làm, nên trăn trở muốn đầu tư hệ thống nhà lưới để có thể trồng thêm những loại cây khác.
Tuy nhiên, ngoài 4,5ha đất thuê của Ban Quản lý KKT tỉnh có thời hạn 50 năm, còn lại diện tích đất mượn của người dân chỉ có thời hạn 1 - 2 năm. Lợi trăn trở: "Ngoài nhà lưới, tôi còn muốn đầu tư hệ thống tưới tiêu đồng bộ để giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất dưa hấu. Nhưng những vướng mắc trong thời hạn hợp đồng thuê đất đã bó buộc dự định đó của tôi".
Thực tế hiện nay, việc thuê mượn đất nông nghiệp vùng phụ cận KKT Vũng Áng rất dễ dàng, nhưng thời gian cho thuê lại rất ngắn. Bởi vậy, 13,5ha đất mà Dương Đình Lợi mượn của người dân đơn giản chỉ bằng hợp đồng miệng, thông qua vai trò trung gian của Ban cán sự thôn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông chủ ruộng dưa dẫu nhiều khát vọng, nhưng không dám đầu tư cơ sở hạ tầng, không ứng dụng được nhiều tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, khiến anh “tuột” mất nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho sản xuất nông nghiệp.
Trên tổng số 18ha đất, Lợi dành 8ha trồng dưa hấu, còn lại là trồng bí đỏ. Ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh cho hay: "Chúng tôi rất vui khi có một nông dân tâm huyết với đồng ruộng, biến hàng chục ha đất bỏ hoang “đẻ” ra tiền, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương".
Bao mùa nắng mưa đã đi qua vùng đất khó Kỳ Ninh. Hình ảnh tiếng máy cày ầm ì chạy xen lẫn tiếng người gọi nhau í ới trên vùng cát bạc đã trở nên thân thương hơn, gần gũi hơn với người người dân miệt biển. Không riêng gì tôi, mà người dân vùng Kỳ Ninh đã gọi Dương Đình Lợi bằng cái tên rất đỗi thân thương - chàng "Mai An Tiêm" trên vùng cát bạc.