Là một trong những hộ dân nằm trong diện phải di dời đến khu tái định cư (TĐC) mới, anh Hà Văn Nghệ, bản Poọng, xã Tam Chung cho biết: “Sau trận lũ lịch sử vừa qua, nhiều nhà dân mất trắng. Không nhà, không tài sản, chúng tôi đã phải đi ở nhờ nơi khác. Tuy nhiên, chúng tôi rất mừng vì nay đã được Nhà nước đưa máy móc về san lấp mặt bằng làm khu TĐC. Khi nào được cấp đất, chúng tôi sẽ tiến hành dựng nhà ngay.”
Ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung cho biết: Tam Chung là xã bị thiệt hại nặng nề nhất, có 153 ngôi nhà bị ảnh hưởng thuộc diện di dời, trong đó có 35 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và gần 100 hộ dân nằm trong diện phải di dời đến khu TĐC bản Poọng. Đây là khu đất mới khai hoang rộng khoảng 3ha, bảo đảm mỗi ngôi nhà có diện tích 100m2. Hiện, khu TĐC này đang ở giai đoạn hoàn thiện phần san lấp mặt bằng để bàn giao cho các hộ.
Rồi đây, những ngôi nhà mới sẽ được dựng lên từ những nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và người dân vùng lũ. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất tại khu TĐC sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân đã bị vùi lấp, không thể canh tác được.
Anh Lò Văn Dựng, Bí thư Chi bộ bản Qua, xã Quang Chiểu, chia sẻ: Khó đến mấy cũng phải làm, chúng tôi chẳng thể ngồi một chỗ chờ vào sự cứu trợ của Nhà nước và lòng hảo tâm của mọi người mãi được. Tài sản mất đi, nhưng người dân chúng tôi vẫn còn và có sức khỏe thì phải nỗ lực làm ra của cải để gây dựng lại cuộc sống”.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, trận lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu, đặc biệt làm sập, hư hỏng, cuốn trôi hoàn toàn 542 ngôi nhà của nhân dân trên địa bàn.
Ông Lương Minh Thông, Bí Thư huyện Mường Lát cho biết: việc xây dựng nhà ở TĐC và ổn định đời sống nhân dân là hết sức cần thiết và cấp bách. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh cho mỗi hộ bị mất nhà 75 triệu đồng, huyện bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 5,4 triệu đồng/hộ; đồng thời vận động các hộ tự chủ động tìm quỹ đất đề xuất với xã, ưu tiên phương án bố trí TĐC tại chỗ, xen ghép giữa các hộ.
Bên cạnh đó, một số hộ có nhà bị ảnh hưởng thiên tai thực hiện việc xây dựng và sửa sang nhà cửa theo hình thức TĐC xen ghép, TĐC tại chỗ. Huyện cũng chỉ đạo, động viên nhân dân thực hiện khắc phục và phấn đấu xong trước 31/12/2018.
Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng về nhà cửa cần phải di dời TĐC tập trung, huyện đã tiến hành xác định được vị trí cho 03 khu TĐC và đang thực hiện san lấp mặt bằng, dự kiến khoảng cuối năm 2018 dương lịch, hoàn thành việc san lấp mặt bằng để nhân dân xây dựng nhà cửa và ổn định đời sống trước Tết Nguyên đán.
Cụ thể như, khu tái định cư bản Poọng, xã Tam Chung quy hoạch 89 hộ dân, hiện đã san lấp mặt bằng được khoảng 80% so với kế hoạch, trong đó có 20 hộ đăng ký dựng nhà sàn bê tông lắp ghép; 62 hộ đăng ký dựng nhà sàn gỗ, 6 hộ đăng ký dựng nhà xây. Khu TĐC bản Qua, xã Quang Chiểu quy hoạch 32 hộ dân, san lấp mặt bằng được khoảng 90% so với kế hoạch; trong đó có 16 hộ đăng ký dựng nhà sàn gỗ, 16 hộ đăng ký dựng nhà xây. Khu TĐC bản Na Chừa, xã Mường Chanh quy hoạch 69 hộ dân, san lấp mặt bằng được khoảng 65% so với kế hoạch; trong đó có 61 hộ đăng ký dựng nhà sàn gỗ, 8 hộ đăng ký dựng nhà xây.
Tam Chung là xã bị thiệt hại nặng nề nhất, có 153 ngôi nhà bị ảnh hưởng thuộc diện di dời, trong đó có 35 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, và gần 100 hộ dân nằm trong diện phải di dời đến khu TĐC bản Poọng. Đây là khu đất mới khai hoang rộng khoảng 3ha, bảo đảm mỗi ngôi nhà có diện tích 100m2.” (Ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chung)
QUỲNH TRÂM